301 triệu USD cho chuyển đổi nông nghiệp bền vững

PV.

(Taichinh) - Đó là số vốn dành cho Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020.
Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020.

Theo đó, Dự án được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020 nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc tăng cường năng lực thể chế của ngành và tổ chức lại sản xuất cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa quan trọng của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Tổng kinh phí cho Dự án này là 301 triệu USD, trong đó có 250 triệu USD là vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), 12,3 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ và 38,7 triệu USD vốn đóng góp của tư nhân.

Theo kế hoạch, dự án sẽ gồm 4 hợp phần, cụ thể:

A- Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh tham gia Dự án, các nhân tố và mạng lưới trong chuỗi giá trị (bao gồm cả ngân hàng);

B- Hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững;

C- Phát triển cà phê bền vững;

D- Quản lý dự án.

Dự án sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn của 13 tỉnh gồm: 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang dưới hướng dẫn của cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.