5 điểm nhấn trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

M. Hà

Những năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt một tầm cao mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặc dù, tình hình kinh tế thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và coi hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu khách quan.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

5 điểm nhấn trong hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện của Việt Nam

Mặc dù, tình hình kinh tế thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và coi hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu, khách quan.

Với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, những năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện của Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, với 5 điểm nhấn sau:

Một là, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Nền kinh tế Việt Nam từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, cũng như trên thế giới và có triển vọng tốt nhờ kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Dự báo, quy mô kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD, gấp trên 1,3 lần so với năm 2015. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương.

Hai là, hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh tới tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, GDP bình quân đầu người tăng từ 2.109 USD (năm 2015) lên 2.587 USD (năm 2018), khoảng 7.650 USD theo sức mua tương đương.

Ba là, hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu.

Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu năm 2018 đạt gần 480 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển dần sang xuất siêu. Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Bốn là, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới (gồm: 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đang thực thi; 2 Hiệp định đã ký kết, 4 FTA đang đàm phán bảo đảm cho kết nối thương mại tư do, ưu đãi cao với 60 nền kinh tế, chiếm 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam). Đồng thời, tạo động lực và “sức ép” mới để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Năm là, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNTAD) đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.

Hiện nay, có gần 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia và đối tác. Vốn FDI vào Việt Nam chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội...

Đổi mới, sáng tạo trong hội nhập

Phát huy những kết quả đạt được trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục chủ động triển khai hội nhập kinh tế quốc tế lên mức toàn diện, sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Việt Nam cần nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Việt Nam cần chủ động nhận diện các động thái, xu hướng phát triển lớn của thế giới, từ đó có điều chỉnh đúng đắn, kịp thời trong chiến lược phát triển, tận dụng triệt để những cơ hội mới mở ra.

Việt Nam cũng cần thiết lập một nền kinh tế thị trường đầy đủ, minh bạch và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Theo đó, cần có những chính sách củng cố quyền sở hữu nhằm thúc đẩy đầu tư dài hạn; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính công nhằm tăng tính minh bạch, giảm quan liêu và hạ chi phí giao dịch vốn có ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của doanh nghiệp trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế…