5 thay đổi căn bản trong môi trường đầu tư mà doanh nghiệp Nhật mong muốn

PV.

(Tài chính) Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 4 tỷ USD và xu hướng này vẫn đang tiếp tục tăng.

5 thay đổi căn bản trong môi trường đầu tư mà doanh nghiệp Nhật mong muốn
Hội thảo Xúc tiến vốn đầu tư từ Nhật Bản - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Tính đến hết tháng 07/2013, Nhật Bản có 2.014 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 32,784 tỷ USD. Trong số đó hơn 80% vốn được đầu tư vào lĩnh vực  sản xuất và chế biến và là nước thứ 2 về lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật trong khu vực Asean (sau Thái Lan), lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh về nhân công.

Tổng vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt khoảng 24 tỷ USD, đóng góp 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam. Nhiều tập đoàn và công ty Nhật Bản đã và đang kinh doanh thành công ở Việt Nam như Sumitomo, Mitsubishi, Canon, Panasonic... Điều đó chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư Nhật Bản và các DN Nhật Bản ngày càng trở thành một bộ phận gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, khi thực hiện cuộc khảo sát chỉ 34% DN Nhật tin rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Trong tổng số 247 DN đầu tư vào Việt Nam được hỏi đã cho biết, môi trường đầu tư của Việt Nam cần được cải thiện nhanh và quyết liệt hơn nữa mới mong giữ chân các DN Nhật, đồng thời thu hút các DN mới tìm đến.

Theo đánh giá của ông Yasuzumi Hirotaka – Giám đốc điều hành tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Nhật Bản luôn mong muốn có được môi trường đầu tư thuận lợi như mong muốn, đó chính là điều kiện tiên quyết nhất khi DN muốn tìm đến, nếu chính phủ Việt Nam làm được những điều này thì tương lai, không chỉ hơn 1800 DN Nhật đang hoạt động ở đây muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và các bạn còn có thể kéo các nhà đầu tư ở các nước Asean về phía mình. Trong đó nổi lên mấy vấn đề chính như sau:

Một là, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan hành chính, cần chú trọng đến việc hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải, ổn định giá điện, môi trường xử lý nước và chất thải công nghiệp; thực hiện nhất quán chính sách cơ chế một của từ trung ương đến địa phương, giải quyết các thắc mắc, thủ tục cấp giấy phép một cách nhanh chóng để các dự án kịp tiến độ, điều này giúp các DN hạn chế rủi ro, yên tâm hơn trong quá trình triển khai dự án.

Hai là, khắc phục tính trạng sử dụng sản phẩm nội địa hóa thấp, đó cũng là một trong những biện pháp hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Hiện nay, công nghiệp phụ trợ còn quá ít. Tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 27,9% thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 47,8% và so với Trung Quốc (60,8%), Thái Lan (52,9%). Để tăng cường sức cạnh tranh cho các DN Nhật ở Việt Nam, việc có DN phụ trợ trong nước để cung cấp ổn định và lâu dài các sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ là điều không thể thiếu. Chính phủ nên xây dựng cơ chế ưu đã về nguồn vốn, thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các DN Việt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Ba là, các vướng mắc về thuế, chính sách thuế của Việt Nam luôn được các nhà đầu tư quan tâm bởi luôn có sự khác nhau trong quá trình thi hành luật ở các địa phương, hơn nữa chính sách thuế thay đổi liên tục làm các nhà đầu tư không kịp nắm bắt. Theo kết quả khảo sát thực hiện ở 247 DN đang đầu tư vào Việt Nam thì Việt Nam đứng thứ 2 sự phiền phức của thủ tục hành chính, thủ tục thuế, sự thiếu trách nhiệm và không minh bạch trong hệ thống thuế và pháp luật gây ra sự phiền toán cho DN và nó trở thành những rủi ro lớn trong hoạt động kinh doanh.

Bốn là, thực hiện chính sách công nghiệp một cách có quản lý, thực thi chiến lược công nghiệp hóa trong các lĩnh vực điện tử, chế biến nông thủy sản, máy móc công nghiệp, xe hơi và phụ tùng xe hơi, môi trường, tiết kiệm năng lượng và đóng tàu. Có chính sách ưu đãi riêng trong các lĩnh vực quan trọng, quyết liệt hơn nữa chính sách ưu đãi vốn và thuế cho các DN vừa và nhỏ. Vấn đề quốc tế hóa hệ thống tài chính ở Việt Nam còn non kém, xử lý nợ xấu trong ngân hàng và cải cách DN.

Năm là, có tầm nhìn dài hạn, để gắn bó lâu dài, cả cơ quan hành chính và DN phải có tầm nhìn dài hạn thay cho tầm nhìn ngắn hạn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tức thì như một số DN đang thực hiện; Phải thúc đẩy nguồn nhân tài trong kinh doanh khi mở rộng hợp tác với các DN Nhật thông qua các hoạt động kinh doanh hằng ngày; Loại bỏ những yếu tố thiếu minh bạch trong hệ thống thuế, hành chính và cả pháp luật.

Thiết nghĩ, môi trường đầu tư của Việt Nam cần phải sửa đổi nhiều, điều đó cần thực hiện ngay và đồng bộ vì nếu không sửa đổi thì có nói hay bao nhiêu, các DN Nhật Bản cũng không vào Việt Nam. Chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn là quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang ở đỉnh cao - Năm Hữu nghị Việt - Nhật 2013. Đây là cơ hội thu hút các doanh Nhật mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đón làn sóng của các DN Nhật đang có xu hướng đầu tư vào Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc vào trong nước.