6 nhóm ngành tại Việt Nam sẽ có sức hút lớn đối với Quỹ Đầu tư tư nhân


6 nhóm ngành tại Việt Nam sẽ có sức hút lớn đối với các Quỹ Đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới. Trong đó, có 2 nhóm ngành mới nổi là công nghệ tài chính và thương mại điện tử và 4 nhóm ngành truyền thống gồm giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm và vận tải - giao nhận.

Việt Nam là một trong 3 điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân (PE) nhất Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong 3 điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân (PE) nhất Đông Nam Á.

Đó là nhận định của Hãng kiểm toán và Tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton Việt Nam (Grant Thornton Việt Nam) trong Báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân 2019 vừa công bố.

Theo Grant Thornton Việt Nam, Việt Nam là một trong 3 điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân (PE) nhất Đông Nam Á sau Singapore và Indonesia. Sức hấp dẫn PE được thể hiện ở số lượng các thương vụ tăng vượt trội và giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục.

Đứng đầu Đông Nam Á là Singapore có 141 thương vụ với giá trị 7 tỷ USD, thứ hai Indonesia có 42 thương vụ với 1,672 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ ba với 38 thương vụ, tăng 41% và giá trị giao dịch tăng tới 285% (1,6 tỷ USD), đây là mức kỷ lục của 10 năm nay.

Kết quả khảo sát của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, 34% số nhà đầu tư được hỏi đã đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong các thị trường Đông Nam Á. Yếu tố tạo nên sự hấp dẫn mới trỗi dậy chính là hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đẩy mạnh trong năm 2018.

Sự hấp dẫn này thể hiện ở con số khởi nghiệp đã thu hút tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của Grant Thornton, trong 38 thương vụ, có tới 27 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (chiếm 71%), tăng 56% so với năm 2017.

Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019, Grant Thornton nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng những điều kiện thuận lợi từ việc tham gia các hiệp định thương mại tư do, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Hong Kong (ASEAN - Hong Kong FTA).

Các hiệp định thương mại tự do trên kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, cũng như đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.

“Kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ”, Grant Thornton Việt Nam nhận định.