70% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Theo Kim Hiền/kinhtevadubao.vn

Lý do chính để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là do tăng doanh thu. Đây là kết quả trong cuộc khảo sát mới đây của Jetro.

Có tới hơn 65% doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam có lãi. Nguồn: Internet
Có tới hơn 65% doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam có lãi. Nguồn: Internet

Theo kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, năm 2017 có khoảng 65,1% doanh nghiệp làm ăn có lãi, tăng 2,3 điểm so với năm trước, trong khi đó số doanh nghiệp Nhật Bản báo lỗ là 19,4%, giảm 5,7 điểm phần trăm so với năm 2016.

Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế tạo có tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu có lãi là 67,5%, vượt trên mức bình quân so với tổng thể.

Chính vì làm ăn có lãi, nên có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch “mở rộng kinh doanh” và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng.

Kết quả kháo sát cũng cho thấy, khoảng 88% doanh nghiệp cho rằng lý do chính để “mở rộng kinh doanh” là “tăng doanh thu”. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 58% số doanh nghiệp cho rằng lý do chính là “ khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.

Đánh giá về lợi thế của môi trường kinh doanh, hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, Việt Nam có tiềm năng về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, tình hình chính trị - xã hội ổn định và chi phí nhân công giá rẻ.
Bên cạnh những thuận lợi, thì rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng đang tồn tại. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng hơn 60% doanh nghiệp cho rằng “Chi phí nhân công tăng cao” (61,6%), khoảng 50% doanh nghiệp cho rằng “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp không rõ ràng” (46,9%), khoảng 40% doanh nghiệp cho rằng “Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp” (42%), “Thủ tục hành chính phức tạp” (39,5%) là các vấn đề mà doanh nghiệp chỉ ra. Ngoài ra, Việt Nam xếp thứ 4 về “Ngành công nghiệp phụ trợ còn non kém, chưa phát triển” với 30,7%.
Liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, giống như khảo sát của năm trước, có hơn 60% doanh nghiệp nêu ra vấn đề về “sự tăng lương ” và “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.
Cụ thể, đối với vấn đề tăng lương, các doanh nghiệp cho biết, mặc dù chi phí nhân công (số tiền thực chi trong một năm) tương đối thấp so với các nước khác, nhưng chi phí nhân công trong ngành công nghiệp chế tạo tập trung vào đối tượng (kỹ sư, quản lý) thì tăng rất nhiều. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp phi chế tạo thì đối tượng (nhân viên, quản lý) thì tỷ lệ tăng vượt hơn cả Indonesia.
Theo đó, mức chi phí nhân công cho cả ngành công nghiệp chế tạo và phi chế tạo đều đang rút ngắn khoảng cách so với các nước tiên tiến.

Bên cạnh đó, năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 33,2%, giảm 1,0 điểm so với năm trước.Tỷ lệ này vẫn luôn ở mức thấp so với Trung Quốc (67,3%), Thái Lan (56,8%), Indonesia (45,2%), Philippines (42,2%), Malaysia (38,2%).

Xét cụ thể hơn về tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam sẽ thấy, tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp sở tại là 39,6%, thấp hơn điều tra trước 1,5 điểm. So với các nước khác, tỷ lệ cung ứng từ “doanh nghiệp nước ngoài khác” (không phải doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản) còn cao.

Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, báo cáo kết quả khảo sát cho rằng, việc tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp Việt Nam là điều không thể thiếu.

Khảo sát này được JETRO thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương. Tại Việt Nam, JETRO khảo sát4,630 doanh nghiệp và nhận được kết quả trả lời hợp lệ từ 652 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.