8 tháng: Công nghiệp và xuất khẩu tăng chậm

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Sáng ngày 3/9, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì cuộc họp giao ban tình hình hoạt động công nghiệp và thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2013. Theo đó, điểm sáng tiếp tục ở khu vực xuất khẩu, nhập khẩu được kiểm soát tốt. Công nghiệp tuy tiếp tục đà tăng trưởng nhưng tăng thấp hơn so với tháng 7.

8 tháng: Công nghiệp và xuất khẩu tăng chậm
Chỉ số sản xuất công nghiệp khai khoáng có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nguồn: internet
Công nghiệp khai khoáng tăng chậm

Ông Huỳnh Đắc Thắng- Vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương)- cho biết: Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục đà phục hồi, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 4,4% so với cùng kỳ, tính chung 8 tháng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp khai khoáng có tốc độ tăng trưởng chậm lại, tháng 8 giảm 5,2%.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tháng 8 giảm sản lượng khai thác và sản xuất do ảnh hưởng mưa, bão liên tiếp ngay từ đầu tháng. Hoạt động tiêu thụ than cũng chưa được cải thiện do các hộ sản xuất cầm chừng, ước giảm 25,5% so với tháng 7 và giảm 25,3% so với tháng 8 năm 2012. Tính chung 8 tháng giảm 40,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu than giảm một phần là do khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng từ thị trường Trung Quốc. Tính đến hết tháng 8, tồn kho là 5,8 triệu tấn than tiêu chuẩn các loại. Vinacomin cho rằng, nguyên nhân chính do Chính phủ tăng thuế xuất khẩu than từ 10% lên 13%.

Cũng liên quan đến thuế tài nguyên, ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)- đại diện cho ngành thép kiến nghị, nếu Nhà nước tiếp tục tăng thuế tài nguyên đối với quặng sắt và quặng Niken từ mức 10% lên 15% sẽ làm chi phí sản xuất tăng lên, trong khi hàng tồn kho nhiều nên giá bán không thể tăng được, tất yếu đẩy các doanh nghiệp thép vào hoàn cảnh khó khăn hơn, khó cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu. Trong khi đó tiêu thụ thép gặp khó khăn, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam còn phải đối diện với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và các vụ kiện chống bán phá giá của các nước.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo đề xuất của Vinacomin, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài Chính xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên. Ngày 1/9, Bộ Tài chính đã trình lên Thủ tướng và Thủ tướng đồng ý điều chỉnh thuế suất than từ 13% quay về 10%. Với động thái này hy vọng tình hình sản xuất than đạt kết quả khả quan hơn.

Xuất khẩu tăng nhờ khu vực FDI

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng 7 và tăng 11,4% so với tháng 8 năm 2012. Trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,95% tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 7 và tăng 18,6% so với tháng 8 năm 2012.

Tuy nhiên tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 84,82 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 51,25 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ. Lượng tăng này chủ yếu ở khu vực FDI. Trong 10,9 tỷ USD kim ngạch tăng thêm thì khu vực FDI (không kể dầu thô) đóng góp 10,6 tỷ USD (trên 97% kim ngạch tăng thêm).

Khu vực nhóm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tiếp tục giảm do nhu cầu thị trường thế giới giảm, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm và nguồn hàng cho xuất khẩu giảm do một số mặt hàng đã hết mùa vụ. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,2 tỷ USD, giảm 6,8% và chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong tháng 8 lượng gạo xuất khẩu mới được 521.000 tấn, giá bình quân giảm 15%, tương đương 15 USD/tấn. Ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam- cho hay, diễn biến thị trường gạo thế giới đang tác động xấu tới giá gạo xuất khẩu Việt Nam, nguyên nhân là do dư thừa nguồn cung từ Ấn Độ, Thái Lan, đẩy giá gạo xuống thấp.

Tồn kho gạo trong thị trường nội địa vẫn tương đối cao, nhất là trong đợt mua tạm trữ vụ mùa vừa qua.

"Hiệp hội đã có nhiều giải pháp, tập trung khởi động các thị trường truyền thống và đàm phán các hợp đồng lớn để kéo mặt bằng giá chung đi lên. Bên cạnh đó, xin gia hạn tạm trữ thêm 1 tháng nữa, tức là 15/10 hết thời gian tạm trữ để giải quyết tồn kho", ông Phạm Văn Bảy cho biết thêm.

Về xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, cấp phép cho các thương nhân đầu mối, khống chế không quá 150 đầu mối trong tiêu chí xem xét. Trước hết ưu tiên doanh nghiệp có vùng nguyên liệu có sẵn; các doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ với lúa gạo của nông dân. Trong trường hợp, liên tục 2 năm liền doanh nghiệp nào không đạt được khối lượng xuất khẩu trên 2 ngàn tấn thì sẽ rút giấy phép.

Bộ Công Thương yêu cầu tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước và củng cố hệ thống phân phối hàng hóa; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới.

Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu Ngân sách Nhà nước.