Áp lực tăng trưởng lớn

Theo daibieunhandan.vn

Tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm sáng 29/6, Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đạt 5,73%. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 là thách thức nhưng nếu biết tận dụng cơ hội và thuận lợi thì vẫn có thể đạt được.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khởi sắc trong quý II

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%. Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia, đây là một khoảng cách “đột phá” bởi thông thường các năm trước khoảng cách này chỉ đạt khoảng 0,3 điểm phần trăm.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay cao hơn hẳn so với các năm 2012, 2013, 2014 và 2016. Đặc biệt, xét về tăng trưởng của ngành, hầu hết các ngành đều tăng cao hơn quý I, trong đó một số ngành có mức tăng rất cao như công nghiệp chế tạo tăng 10,52% (quý I đạt 8,6%); ngành xây dựng tăng trên 9% (quý I đạt 7,6%); lưu trú ăn uống tăng 11,37% (quý I đạt 6%).

Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm 13/21 ngành kinh tế cấp 1 vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ 2016, trong đó điển hình là khai khoáng. Bên cạnh đó, tình trạng nhập siêu bắt đầu quay trở lại, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ USD, trong khi đó cùng kỳ 2016 chúng ta xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Có nhiều dư địa

Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 là một thách thức. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.

Dù vậy, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cho rằng vẫn có những cơ hội và thuận lợi để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đầu tiên phải kể đến là nguồn lực của doanh nghiệp.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 62.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%. Đáng lưu ý, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm là trên 5.400 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Tiếp đó, đầu tư của toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm rất lớn, so với kế hoạch đề ra còn trên 60% chưa được thực hiện. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,54% trong khi kế hoạch cả năm là 18,5%. Như vậy, còn gần 2/3 mức tăng trưởng này sẽ được thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Đối với phát triển ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển, dự kiến cả năm tăng trưởng trên 12,5%. Theo báo cáo của Bộ Công thương, một số dự án thép sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm nay. Điện tử, điện lạnh đã tăng trưởng tốt trong quý II và chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì tốc độ. Tương tự như vậy với ngành thuốc lá, cao su…

Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18%, tạo điều kiện vay vốn sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng. Có giải pháp phù hợp thu hút các nguồn vốn đầu từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bảo đảm vốn đầu tư 34 - 35% GDP. Đặc biệt, ông Lâm cho rằng cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong đó chú trọng các dự án lớn, quan trọng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đưa ra giải pháp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, có chính sách thúc đẩy sản xuất các ngành trong nước như đường, phân bón, có biện pháp phòng vệ thương mại trong WTO để bảo vệ ngành thép, tìm thị trường cho ngành da giày, dệt may.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2017 giảm 0,17% so với tháng trước; CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. So với tháng 12.2016, CPI tháng 6 tăng 0,2%; so với cùng kỳ năm trước tăng 2,54%.


So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm hàng tăng giá không đáng kể: Nhà ở và vật liệu xây dựng tặng 0,53%; văn hóa và du lịch tăng 0,19%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. 
Có 3 nhóm hàng giảm giá trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức giảm 0,59%; Giao thông giảm 0,71%; Bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê