APEC 2017: Cơ hội tỏa sáng, thúc đẩy hợp tác

Theo Văn Cường/saigondautu.com.vn

Cùng với việc lần thứ 2 đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), vị thế nước chủ nhà Việt Nam được nâng cao trong mắt các chuyên gia và bạn bè quốc tế.

APEC 2017 là cơ hội để khẳng định ảnh hưởng và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam.
APEC 2017 là cơ hội để khẳng định ảnh hưởng và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam.
Được tín nhiệm cao
Trong một bài phỏng vấn, GS. Park Tae-kyun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm Đại học Korea, Chủ tịch Diễn đàn lương thực Hàn Quốc, nhận định Việt Nam là nền kinh tế thành viên tích cực và có nhiều sáng kiến cũng như đóng góp tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), APEC, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... 
GS. Park đánh giá cao sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm (gồm kinh tế, tài chính và xã hội) Việt Nam đưa ra, cho rằng những sáng kiến cùng vai trò dẫn dắt của nước chủ nhà Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp APEC đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu Bogor 2020, trở thành cơ chế hợp tác kinh tế thương mại hiệu quả trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng.
“Đây là lần thứ 2 được chọn là chủ nhà tổ chức các sự kiện APEC, chứng tỏ Việt Nam nhận được sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế” - GS. Park Tae-kyun nhận định.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ ủng hộ các nghiên cứu khoa học “Sáng kiến Á-Âu” Georgi Chofimchuk, đã có bài viết đăng trên trang Trung tâm ASEAN (của Học viện Ngoại giao Nga), đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Theo tác giả, ngoài APEC, Việt Nam còn tham gia hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực. Tham gia tổ chức nào Việt Nam cũng luôn thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn. “Vai trò và uy tín của Việt Nam còn được xác định qua phẩm chất chính trị, ở đây là yếu tố con người với những đức tính dân tộc độc đáo, xứng đáng là tấm gương cho nhiều dân tộc noi theo” - ông Chofimchuk viết.
Đây cũng là nhìn nhận chung của nhiều thành viên của APEC. Ông Tsutomu Koizumi, Trưởng đoàn Nhật Bản tại Hội nghị Quan chức Cấp cao APEC lần I (SOM 1), cho rằng Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực thực hiện trọng trách của nền kinh tế đóng vai trò chủ trì hội nghị quốc tế này, và Việt Nam đảm nhận vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực cơ bản của các vấn đề chính APEC đang phải đối mặt.
Kỳ vọng thương mại tự do
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Hà Nội, tin rằng APEC 2017 là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam thúc đẩy phát triển tự do thương mại. Theo ông Sitkoff, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Nhiều công ty Hoa Kỳ hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam đã đầu tư hàng tỷ USD. AMCHAM sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Việt Nam để giảm bớt những gánh nặng hành chính, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn.
“Tôi hy vọng trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, 2 nước có thể bắt đầu bàn thảo về một hiệp định thương mại tự do trong tương lai, có lợi và công bằng với cả 2 nước” - ông Sitkoff nói.
Việc Việt Nam mở được cánh cửa thương mại với Hoa Kỳ cũng là điều được nhiều người kỳ vọng. Trong bài viết ngày 4-11, Bangkok Post, tờ báo lớn nhất Thái Lan, nhận định: “Tại sự kiện APEC tổ chức ở Đà Nẵng, dự kiến Tổng thống Trump sẽ nêu lên chiến lược thương mại của chính phủ Hoa Kỳ và chính sách chung đối với khu vực châu Á. Việt Nam được kỳ vọng sẽ sử dụng diễn đàn hội nghị thượng đỉnh này để thúc đẩy Hoa Kỳ thể hiện rõ hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư”.
Theo tờ báo này, để đảm bảo kế hoạch tương lai lâu dài, bên lề Hội nghị APEC, Việt Nam nên tìm kiếm sự cam kết từ các thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) 11 về việc vẫn triển khai thỏa thuận thương mại ngay cả khi không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Cơ hội tỏa sáng
Theo các chuyên gia và truyền thông nước ngoài, việc đăng cai APEC chắc chắn là cơ hội tỏa sáng cho Việt Nam. Tờ Bangkok Post nhận định: “Sự thành công của Hội nghị APEC sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines. Việt Nam đã sẵn sàng chuẩn bị cho vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, nhằm thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận, tăng cường vai trò trung tâm và quan hệ đối ngoại của ASEAN, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên cũ và mới vì một cộng đồng ASEAN”.
Tại một hội nghị bàn tròn về APEC diễn ra ở Nga, PGS. Oksana Novakova của Viện Các nước Á-Phi thuộc Trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU), cũng tin rằng việc đăng cai APEC 2017 sẽ nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang phát triển năng động, mến khách và an toàn.
Điều này cũng được ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn Albright Stonebridge, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi cho rằng Việt Nam là một nước quan trọng trong APEC. Đặc biệt ở châu Á, nơi nhiều nước thực sự chuyển biến và trở thành các cường quốc kinh tế như Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ tăng tưởng nhanh. Việc đăng cai APEC sẽ giúp Việt Nam có cơ hội chứng tỏ Chính phủ đang hướng tới cải cách kinh tế cũng như thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế toàn cầu”.
Nhật báo Kampuchea Thmey của Campuchia ngày 3/11 đã đăng bài viết nhận định sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với Năm APEC 2017. Đây sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy được “sức mạnh mềm", thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của thành viên diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“APEC 2017 là cơ hội để khẳng định ảnh hưởng và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua, đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới” - Kampuchea Thmey viết.