Bàn cách cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh Việt Nam

PV.

Ngày 15/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.

Tại hội nghị các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Thống kê giai đoạn 2014-2017, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết quả này được phản ánh cụ thể qua kết quả xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay. Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch cũng đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó  Moody’s và Fitch nâng xếp hạng từ ổn định lên tích cực.

Tuy nhiên, việc thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP trong 4 năm qua cho thấy vẫn còn có sự vào cuộc chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương; nhiều nơi vẫn còn thiếu quyết liệt, chậm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Do vậy, góp ý tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt và theo dõi sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Năm 2018, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn, do vậy, dự thảo Nghị quyết 19/2018 hiện nay đang được gửi xin ý kiến bộ, ngành, địa phương với các trọng tâm cụ thể như: Duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistic và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.