Băn khoăn tỷ giá và tiền tệ

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) “Nếu hai tuần trước, kinh tế vĩ mô nóng bỏng vấn đề giá dầu giảm và giá điện điện tăng, thì đến nay tình hình ổn định rất nhiều. Quý I/2015 tương đối yên tâm, bởi kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Song, điều phải băn khoăn hiện nay là tỷ giá và tiền tệ”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt, hiệu quả. Nguồn: internet
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt, hiệu quả. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã phát biểu như vậy khi nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2015 tại phiên họp Ban chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô vào chiều tối ngày 30/3. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp.

“Bất ngờ” với mức tăng trưởng 6,03%

Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ, trong cuộc họp liên bộ lần trước đã hào hứng phấn khởi khi đánh giá mức tăng trưởng GDP là 5,6%. Vậy mà, thực tế lại là 6,03.

“Giật mình nhưng đánh giá lại cũng thấy chính xác thôi”, ông Bình nhìn nhận.

Quý này, công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 9%, khai khoáng tăng. Khai thác dầu thô tăng trưởng tốt. yếu tố này làm cho tăng trưởng 6%.

“Ngay cả nếu loại bảo yếu tố khai thác dầu thô, khí đốt thì tăng trưởng sẽ là 5,6%. Nhưng, ngay cả 5,6% cũng cao hơn rất nhiều cùng kỳ năm ngoái, thể hiện tiềm năng trong nước vẫn là rất lớn”, người đứng đầu ngành Ngân hàng đánh giá.

Ông Bình cũng nhìn nhận, nếu cả năm vẫn giữ được mức nhập siêu dưới 5%, thì sẽ là thắng lợi lớn.

Về con số tăng trưởng 6,03% trong quý đầu tiên của năm 2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định là hoàn toàn chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Chính vì cần phải đảm bảo tính chính xác của số liệu, nên tại cuộc họp điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, tổng cục thống kê cũng chưa dám báo cáo”, người đứng đầu cơ quan công bố số liệu cho biết thêm.

Lý giải thêm về con số tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mặc dù CPI vẫn còn âm 0,1%, nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng, nên đã không dẫn đến giảm phát kinh tế. Các cán cân kinh tế vẫn tốt.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận, lúc đầu cũng hơi bất ngờ vì thấy cao quá, nhưng, xem xét lại thì không thấy có gì bất thường.

Tốc độ tăng trưởng 6,03% của quý I/2015 khiến các thành viên Ban chỉ đạo liên bộ đều thống nhất cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mục tiêu đề ra, thậm chí ở mức cao hơn, khoảng 6,3%-6,5%.

Riêng về con số giải thể, ngừng hoạt động doanh nghiệp trong quý I/2015, theo Bộ trưởng Vinh là rất bình thường.

Ông nhấn mạnh, phải đào thải để sinh ra những doanh nghiệp tốt hơn.

“Trong báo cáo là 18.740 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tức là chưa đến 4%. Rà soát lại, thì 97% số này là doanh nghiệp vốn dưới 10 tỷ đồng. Do vậy, cũng nên nhìn hiện trạng này ở mức bình thản thôi”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Quý II, công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng

“Dự báo quý II, lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, với việc nhiều nhà máy như Phân đạm Hà Bắc, các nhà máy điện Mông Dương 2, Vũng Áng… đi vào hoạt động. Khi năng lực sản xuất tăng thêm thì chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng cao hơn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, kịch bản giá dầu chỉ 40 USD đã không xảy ra, sang quý II, mức giá này sẽ vào khoảng 60 USD/thùng.

Dưới tác động của giá dầu, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sản xuất công nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục hồi phục, nhất là khi nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi vào hoạt động.

Về việc nhập siêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận là không đáng ngại vì cơ cấu nhập khẩu cho thấy, chúng ta nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Hơn nữa mặc dù nhập siêu, nhưng phần thu ngoại tệ khác, như: giải ngân đầu tư, kiều hối… lại tạo ra thặng dư cán cân thanh toán tổng thể cả nước. Hiện, cán cân thanh toán thặng dư 2,8 tỷ USD.

Điểm nóng: Tỷ giá

Báo cáo về tỷ giá, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, dự báo bức tranh kinh tế năm nay lo ngại nhất vẫn là tỷ giá. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, nhưng chính sách tiền tệ của các nước hiện đang quá trái chiều.

“Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, tỷ giá đã rục rịch, nhưng vẫn phải ngồi im. Nếu FED tăng lãi suất thì nhất định phải xin Thủ tướng điều chỉnh tỷ giá, nhưng may là không điều chỉnh gì. Vừa nghe CNN đưa tin xong mới yên tâm và quyết định giữ nguyên tỷ giá”, Thống đốc chia sẻ.

Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về tỷ giá cũng nhận định, nếu phá giá ngay trong bối cảnh hiện tại chưa chắc đã có tác động tích cực, mà còn gây nhiều hệ lụy. Vì thế, năm nay vẫn giữ nguyên mục tiêu là 2%.

Thống đốc cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng đến nay là rất tốt, đã tăng 1,91%, không tính trái phiếu.

Đồng tình rằng, việc giữ ổn định tỷ giá như bây giờ là đúng, Bộ trưởng Vinh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phải bám sát tình hình thế giới để có thể đưa ra quyết định sáng suốt.

“Chúng ta nên xem độ mở bao nhiêu thì vừa? Bởi, rõ ràng nếu không nới room này, thì không hút được tiền nước ngoài vào Việt Nam”, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Đồng tình với các thành viên khác, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định: “Chưa có cơ sở để phá giá tiền đồng. Trước mắt, nên điều hành trong biên độ cho phép. Hiện nay, vẫn còn dư địa, quan trọng là phải chọn thời điểm thích hợp”.

Cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sự ổn định của kinh tế vĩ mô có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ xác định rõ, tình hình kinh tế vĩ mô phải được thường xuyên đánh giá để chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường ngày càng đầy đủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo Thủ tướng, những nhận định, dự báo tình hình đã đưa ra thời gian qua là sát đúng, nền kinh tế dần phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn; sản xuất công nghiệp tăng khá mạnh; lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ cũng đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; công tác an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm;…

Từ những kết quả đạt được, lòng tin của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được củng cố và tăng cường. Từ thực hiện nhiệm vụ trong quý I/2015, chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định, có thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hôi đã đề ra cho năm 2015, trong đó có mục tiêu tăng trưởng đạt 6,2%; xuất khẩu tăng 10%; kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định về tỷ giá;…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả. Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%; xuất khẩu tăng 10%, kiểm soát tốt nhập khẩu; tiếp tục giữ vững ổn định về tỷ giá; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành, đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối phát phát triển nông nghiệp, công nghiệp; quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu...