Bán lẻ ngoại "phá rào" mở chuỗi

Cẩm An

(Tài chính) Rào cản về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) được xem là "lá chắn" giúp cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội chuẩn bị mọi nguồn lực để cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu thống nhất cùng những quy định đang còn khá "mơ hồ" của ENT, các nhà bán lẻ ngoại đã "phá rào" để tấn công vào thị trường bán lẻ.

Bán lẻ ngoại "phá rào" mở chuỗi
Vừa vào Việt Nam, Lotte đã đặt mục tiêu mở tới 60 điểm kinh doanh. Nguồn: internet

Phải đến năm 2015, thị trường bán lẻ mới mở cửa hoàn toàn cho các DN ngoại được quyền mở rộng chuỗi tại Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế nghịch lý là bất chấp những quy định về hạn chế mở điểm bán thứ hai mà ENT đặt ra, thì hầu hết các nhà bán lẻ ngoại lại đang liên tục "bành trướng" với hàng loạt cơ sở kinh doanh bán lẻ.

Đua phô trương thanh thế

BigC không chỉ là một trong những nhà bán lẻ nước ngoài đầu tiên thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mà còn là DN ngoại đang sở hữu chuỗi hệ thống lớn nhất với 28 điểm bán. Thâm nhập vào thị trường từ 16 năm trước với điểm bán đầu tiên tại Đồng Nai, đến nay, thương hiệu của Tập đoàn Casino (Pháp) này đã có mặt tại 18 tỉnh, thành. Cùng thời với BigC, Metro Cash&Carry của Đức trước khi bán cho Tập đoàn Berli Jucker – BJC của Thái Lan cũng đã mở đến 19 điểm bán. Điều đáng chú ý là hầu hết các điểm bán của BigC hay Metro đang sở hữu đều nằm ở những vị trí "đắc địa", cùng tồn tại song song bên cạnh các nhà bán lẻ nội.

Gần đây nhất, ông lớn "lắm tiền, nhiều của" LotteMart cũng đang "chạy nước rút" để tấn công mạnh mẽ vào thị trường. Có mặt tại Việt Nam vào năm 2008, hiện nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc này đang sở hữu 7 điểm bán tại các tỉnh thành lớn. Sắp tới, hãng bán lẻ này sẽ tiếp tục khai trương thêm một đại siêu thị thứ hai tại Hà Nội nhằm thực hiện kế hoạch sở hữu 10 trung tâm trong năm nay. Thậm chí, Lotte Mart còn không ngần ngại tuyên bố đến năm 2015 sẽ mở thêm 10 trung tâm để thực hiện tham vọng sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Tương tự, nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon cũng đang triển khai xây dựng khu phức hợp tại Long Biên (Hà Nội) để bắt đầu cho chiến dịch tấn công thị trường Hà Nội. Trước đó, hồi đầu năm, Aeon đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Tp.HCM và dự kiến tháng 10 tới, sẽ tiếp tục mở thêm hai điểm bán tại Bình Dương. Kế hoạch đến năm 2020, Aeon sẽ mở khoảng 20 trung tâm tại Việt Nam. Ngoài ra, một số hãng ngoại khác đầu tư vào mô hình cửa hàng tiện lợi cũng sở hữu hệ thống điểm bán lớn như Circle K (Mỹ) với hơn 70 điểm, Bs mart (Thái Lan) gần 20 điểm, Shop&Go (Singapore) có hơn 100 điểm…

Có thể thấy, bức tranh mở chuỗi khá sôi động của các DN bán lẻ ngoại trên thị trường dường như đang "đi ngược" lại mục đích mà ENT đưa ra là hạn chế khả năng mở điểm bán của các nhà bán lẻ nước ngoài. Theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, chính những quy định khá "mơ hồ" và thực hiện ENT thiếu thống nhất ở các cấp địa phương đang khiến cho các nhà bán lẻ ngoại "phá rào" để liên tiếp tấn công mạnh mẽ vào thị trường, giành ưu thế trong cuộc chiến thị phần.

Hãng ngoại đang "lách luật"?

"Quy định về mở điểm bán hàng thứ hai đưa ra để "cầm chân" các DN nước ngoài, nhưng cuối cùng đến giờ, tại sao Bộ Công Thương vẫn chưa có quan điểm rõ ràng về hạn chế này. Do đó, ENT quy định như vậy song vẫn chẳng có tác dụng, nước ngoài vẫn vào nhiều, liên doanh liên kết, chuyển nhượng mua bán, vào bằng nhiều cửa, mở đến chục siêu thị mà cũng chẳng ai nói gì. Bản thân Bộ Công Thương cũng không thể kiểm soát nổi và tác động của hàng rào này cũng không còn", ông Ruệ đánh giá.

Theo các tiêu chí mà ENT đưa ra, một DN nước ngoài khi mở nhiều hơn một cơ sở bán lẻ phải tuân thủ các quy định như số lượng nhà cung cấp đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường, quy mô địa lý hay mật độ dân cư và sự phù hợp của dự án đầu tư…

Theo Bộ Công Thương, đây là những "hàng rào" nhằm hạn chế sự gia nhập thị trường của DN ngoại, và tạo điều kiện các hãng nội chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng cho cuộc chiến trên thị trường được chính thức bắt đầu vào năm 2015. Tuy nhiên, với những quy định khá "chung chung" nên việc thực thi "lúng túng" và chưa nhất quán nên các DN ngoại đã "lách luật" để liên tục mở điểm bán.

Thực tế bán lẻ ngoại lại chính là người làm chủ cuộc đua mở chuỗi trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Những chiêu thức "lách luật" thường thấy của hãng ngoại như thực hiện liên doanh với DN nội như BigC góp 65% vốn cùng Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thăng Long GTC và Công ty Vindemia; hay đầu tư các dự án bất động sản để xây dựng trung tâm thương mại, từ đó kinh doanh siêu thị như Lotte, Aeon; mua lại cổ phần của DN trong nước để nắm quyền chi phối, thâu tóm như E-Mart mua lại U&I; hoặc nhượng quyền kinh doanh…

"Lá chắn" bảo vệ không còn tác dụng, sự đổ bộ của hàng loạt các nhà bán lẻ ngoại khiến cho các DN nội đã phải chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt ngay khi thị trường chưa mở cửa. Bức xúc trước thực trạng các DN nội đang bị đối xử không công bằng, bất chấp các quy định đã đưa ra, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, dẫn ra câu chuyện Metro được "ưu ái" mở điểm bán tại Đăk Lăk, với vị trí nằm ngay giữa trung tâm thành phố và chỉ cách điểm bán của nhà bán lẻ nội là Co.opMart… 1km.

Theo các chuyên gia, sẽ không còn nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ nội khi những quy định về ENT đã "mất thiêng" và thời gian mở cửa thị trường đang đến gần. Bởi vậy, việc cần sớm có chính sách hỗ trợ cho các DN bán lẻ nội nâng cao "sức" cạnh tranh là điều cần thiết để các thương hiệu bán lẻ trong nước "vững vàng" hơn trong cuộc cạnh tranh sắp tới.