Bán lẻ nội “bán mình”: “Teo tóp” hay nâng vị thế?

Cẩm An - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Liên tiếp hàng loạt các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam đã bán cổ phần vốn cho các hãng bán lẻ nước ngoài. Trong khi các DN cho rằng việc bán cổ phần giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và nguồn lực để mở rộng thị phần, nhiều chuyên gia thì lo ngại việc bán vốn sẽ khiến DN có nguy cơ mất thương hiệu và bị bán lẻ ngoại thâu tóm.

Liên tiếp hàng loạt các DN bán lẻ Việt Nam đã bán cổ phần vốn cho các hãng bán lẻ nước ngoài. Nguồn: internet
Liên tiếp hàng loạt các DN bán lẻ Việt Nam đã bán cổ phần vốn cho các hãng bán lẻ nước ngoài. Nguồn: internet

Thông tin 2 siêu thị sở hữu chuỗi điểm bán lớn tại Hà Nội và Tp.HCM là Fivimart và CitiMart được nhà bán lẻ lớn của Nhật Bản Aoen mua lại cổ phần tiếp tục “đốt nóng” thị trường bán lẻ những ngày đầu năm 2015.

Tờ Japan Times đưa tin, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon đã quyết định đầu tư vào 2 chuỗi siêu thị trên. Theo đó, Aean sẽ mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Được biết, 2 nhà bán lẻ nội này đều sở hữu số điểm bán lớn nhất tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Trong đó, nếu như Fivimart là nhà bán lẻ có tiếng lâu đời tại Hà thành, với 20 điểm bán thì Citimart lại là DN bán lẻ hoạt động chủ yếu trong Tp.HCM với 27 điểm.

Ngoại đi bước khôn ngoan

Với sự hợp tác này, Aeon muốn sẽ gia tăng sự hiểu biết về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm cung ứng hàng hóa; đồng thời chia sẻ cho các đối tác về kinh nghiệm quản trị chất lượng và hậu cần.

Hiện nhà bán lẻ này đang vận hành 2 TTTM tại Aeon Mall và dự kiến sẽ khai trương trung tâm thứ ba tại Hà Nội vào cuối năm nay. Nhà bán lẻ này cũng hợp tác với Trung Nguyên để khai thác chuỗi cửa hàng tiện lợi MiniStop.

Được biết, trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình, Aeon xem Việt Nam là thị trường quan trọng thứ hai tại Đông Nam Á, sau Malaysia. Do đó, đại gia bán lẻ này đang mở rộng quy mô hoạt động với nhiều tham vọng lấn sân vào thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với chiến lược thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam, việc mua lại hệ thống bán lẻ là chiến lược đầy “khôn ngoan” của Aeon.

Thị trường bán lẻ đã bước vào giai đoạn cạnh tranh đầy khốc liệt, khi hàng loạt các DN chạy đua mở chuỗi để mở rộng thị phần. Vì vậy, cơ cấu thị phần hiện đã bắt đầu được định hình với sự có mặt của nhiều nhà bán lẻ có tên tuổi như BigC, Co.opMart, Hapro, Fivimart, Citimart, LotteMart.

Do đó, việc mua lại hệ thống bán lẻ của các DN trong nước, vốn đã có sẵn hệ thống điểm bán sẽ giúp các ông lớn nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường với chi phí thấp nhất. Trước đó, đại gia bán lẻ của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

“Trong giai đoạn hiện nay, với sự cạnh tranh khốc liệt, để đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ cần chi phí lớn song gặp nhiều rủi ro hơn. Trong khi đó, vẫn còn những rào cản khiến cho DN nước ngoài bị hạn chế trong mở rộng điểm bán. Do đó, việc mua lại vốn cổ phần của các DN trong nước, đã xây dựng được một hệ thống ổn định là bước đi khôn ngoan của các nhà bán lẻ ngoại. Các DN không những giảm được chi phí đầu tư, rủi ro mà còn tận dụng được những lợi thế có sẵn mà các DN bán lẻ đã xây dựng như tiếp cận mặt bằng, quan hệ khách hàng, hệ thống nhân lực, nguồn cung hàng hoá…”, một chuyên gia bán lẻ phân tích.

Nội vẫn vững tâm

Đánh giá về những động thái này trên thị trường, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết việc mua bán hay sáp nhập trên thị trường bán lẻ là xu hướng bình thường và tất yếu.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng bày tỏ nỗi lo ngại trước nguy cơ DN nội có thể bị thâu tóm khi tham gia vào “cuộc chơi” mua bán, sáp nhập với DN nước ngoài. Ông Phú cho rằng với số cổ phần lớn được DN nước ngoài mua vào, tỷ lệ sở hữu càng cao thì nguy cơ DN nội bị giảm quyền quản lý càng lớn. Trong khi đó, các DN ngoại có thể bằng nhiều hình thức khác nhau, như đưa hàng của nước bản địa vào hệ thống, gia tăng thành viên nhân sự chủ chốt vào ban quản trị…

Lãnh đạo Citimart đã xác nhận vụ việc và cho biết việc hợp tác này đã diễn ra vào giữa năm ngoái, nhưng đến nay, thủ tục mới hoàn tất. Nhà bán lẻ nội này đã chính thức công bố thông tin về sự hợp tác này và chuỗi hệ thống siêu thị Citimart cũng chính thức đổi tên thành Aeon Citimart.

Hiện, mặc dù Citimart vẫn nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT điều hành hệ thống kinh doanh, song vị trí Tổng Giám đốc đã do đối tác của Aeon đảm nhiệm. Cùng với đó, đội ngũ quản lý và chuyên gia của Aeon cũng đã tham gia vào việc xây dựng lại hình ảnh mới của hệ thống bán hàng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nhân viên quản lý chất lượng và đào tạo nhân viên… Song theo một đại diện của Citimart, mục tiêu lớn nhất của hợp tác này là nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Về phía Fivimart, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (sở hữu và vận hành chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết thông tin bán cổ phần cho Aeon chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, bà Hậu cũng xác nhận hiện Fivimart có mối quan hệ hợp tác với Aeon và chuyện bán cổ phần vốn của DN cũng được tính đến trong chiến lược phát triển lâu dài của DN. Song, việc mua bán cổ phần để nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho DN, chứ không có lo ngại về việc thâu tóm hay mất thương hiệu.

“Mục đích hợp tác để chúng tôi nâng cao sức cạnh tranh, thông qua mở rộng thêm chuỗi phân phối và chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị. Do đó, trong quá trình thương thảo hợp tác, chúng tôi sẽ tính toán nhiều yếu tố, đưa ra nhiều yêu cầu và điều kiện, tránh để đối tác thâu tóm hay nắm cổ phần. Việc hợp tác này chỉ nhằm mục đích cho DN nội phát triển chứ hoàn toàn không có lo ngại sẽ đánh mất thị phần”, bà Hậu khẳng định.

Trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc liên doanh liên kết hợp tác với DN ngoại là cần thiết và tất yếu để các nhà bán lẻ nội có thể đứng vững hơn trên sân nhà. Song theo ông Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), trên thực tế đã có nhiều bài học “xương máu” về việc DN nội bị thâu tóm khi bán cổ phần cho đối tác ngoại.

Do đó, lo lắng trên không phải là không có cơ sở nên các DN khi chọn phương án liên doanh, cần thận trọng và tỉnh táo trước các yêu cầu và điều khoản mà các đối tác đưa ra.

Ông Vũ Huy Hoàng

Bộ Trưởng Bộ Công Thương

Thời gian qua đã có những lo ngại về việc hàng loạt các nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam có thể khiến DN nội teo tóp và hệ luỵ lâu dài là tác động đến nhà sản xuất trong nước… Đây là lĩnh vực nhạy cảm, không chỉ với Việt Nam mà cả nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, trong đàm phán, chúng tôi xác định đây là nội dung quan trọng, mà Việt Nam cần mở cửa thận trọng, theo lộ trình. Thực tế một số DN bán buôn bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam song ở mức độ có hạn, việc mở các cơ sở bán buôn, bán lẻ này được một hệ thống cơ quan trung ương, địa phương xem xét cân nhắc cẩn trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa

Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op

Phải biết chọn bạn mà chơi. Một yêu cầu quan trọng trong liên doanh, liên kết là lựa chọn đối tác. Đi với người khổng lồ cũng có cái hay nhưng phải cẩn trọng và lường trước các tình huống có thể xảy ra. Năm 2013, Saigon Co.op đã liên doanh với nhà bán lẻ hàng đầu Singapore là Tập đoàn NTUC FairPrice. Với triết lý của HTX, giữa Saigon Co.op và FairPrice đã có "tiếng nói chung" nên hoạt động của Co.opXtra (đại siêu thị do liên doanh Co.op và FairPrice triển khai) đã khá thành công. Và từ hợp tác này, đã có 400 mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống 270 đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi của FairPrice ở Singapore.

Ông Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ kinh tế

Việt Nam đã thực hiện cam kết theo lộ trình hội nhập một cách tự nguyện. Tuy nhiên, mặt trái của việc hợp tác này là DN nước ngoài biến nhà bán lẻ Việt Nam thành nơi chỉ tiêu thụ hàng ngoại, đặc biệt là nhãn hàng riêng, hàng của nước họ. Nguy hiểm hơn là từ chi phối bán lẻ sẽ dẫn tới chi phối sản xuất trong nước. Ngoài ra, trong bối cảnh doanh nghiệp bán lẻ nội được ưu đãi về giá thuê đất kéo dài 50 - 70 năm, đương nhiên DN nước ngoài hợp tác cũng được hưởng ưu đãi này, tận dụng mặt bằng kinh doanh một cách thuận lợi và suôn sẻ.