Bán tháo có chọn lọc trên thị trường mới nổi

Theo ttvn.vn

(Tài chính) Các nước đang phát triển khác như Mexico và Hàn Quốc – vốn cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng trước đây của các thị trường mới nổi - lại có thể tránh được cơn bán tháo.

Trong khi đồng tiền của Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Malaysia lao dốc thảm hại so với đồng USD, các nước đang phát triển khác như Mexico và Hàn Quốc – vốn cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng trước đây của các thị trường mới nổi - lại có thể tránh được cơn bán tháo. Thậm chí, thị trường của một số nước Đông Âu còn đang ghi nhận những diễn biến tích cực. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang bán tháo một cách có chọn lọc. 

Quan sát diễn biến vừa qua của thị trường, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận thấy một đặc điểm: nhà đầu tư đang “trừng phạt” những quốc gia có cán cân thương mại và cán cân vốn bị mất cân bằng nghiêm trọng. 

“Có sự phân biệt trên thị trường. Nhà đầu tư đang xem xét những yếu tố cơ bản của từng quốc gia và chọn ra người thắng cuộc và kẻ thua cuộc”, Luis Oganes – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Mỹ Latinh tại ngân hàng JP Morgan Chase – nhận định. 

Bán tháo có chọn lọc trên thị trường mới nổi (1)

Phiên ngày 27/8, “làn sóng” bán tháo trên thị trường mới nổi càng dâng lên cao sau khi Mỹ phát đi tín hiệu sẽ can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, nhân tố cơ bản nhất vẫn nằm ở dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ. Nhà đầu tư cũng lo ngại kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước xuất khẩu nguyên vật liệu thô sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. 

Do đó, những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào dòng vốn ngoại ngắn hạn để tài trợ cho thâm hụt thương mại (gồm Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc có khoản nợ nước ngoài quá lớn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.  

Ngân hàng Trung ương (NHTW) Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã phải thông báo sẽ không nâng lãi suất. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này đã hoàn toàn thất bại trong nỗ lực thắt chặt thanh khoản. Trong khi đó, đồng rupee của Ấn Độ tiếp tục “rơi tự do” bất chấp những nỗ lực ngăn chặn dòng vốn bị rút ra của NHTW nước này. Ngày 22/8, NHTW Indonesia đã buộc phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm ra biện pháp ngăn chặn đà lao dốc của đồng rupiah.

Ngược lại, các quốc gia tận dụng thời kỳ tiền giá rẻ để hồi sinh nền kinh tế đang hưởng lợi. Nợ nước ngoài của Hàn Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Mexico thì thực hiện cải tổ nền kinh tế theo hướng thúc đẩy tăng trưởng và thu hút dòng vốn dài hạn, đặc biệt là đầu tư vào các nhà máy. 
Trong cuộc họp tại Jackson Hole diễn ra cuối tuần trước, các thống đốc NHTW và nhiều học giả đều đồng tình rằng các quốc gia có tỷ lệ nợ chính phủ thấp, một hệ thống ngân hàng lành mạnh và chính sách tiền tệ hợp lý sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều khi đương đầu với khủng hoảng. 

Theo số liệu thống kê của JP Morgan, kể từ cuối tháng 5 (khi Fed phát tín hiệu thu hẹp gói kích thích), các quỹ trái phiếu của thị trường mới nổi đã ghi nhận 13 quý bị rút ròng liên tiếp. Năm vừa qua, bất chấp nhiều đồng tiền lao dốc thảm hại, đồng peso của Mexico và đồng won Hàn Quốc vẫn có những diễn biến tích cực. 

Thị trường chứng khoán (TTCK) của các nước mới nổi đã giảm tổng cộng 7,5% trong 3 tháng gần đây. Ngược lại, TTCK Trung và Đông Âu đã tăng 1,2%. 

Các quốc gia xuất khẩu như Ba Lan và Hungary ghi nhận thặng dư thương mại và hưởng lợi từ tăng trưởng của Tây Âu. Cách đây không lâu, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng bùng nổ. Thế nhưng, giờ đây nhu cầu từ Trung Quốc đã chậm lại. Các nước cũng phải gánh thâm hụt ngân sách khổng lồ cùng với gánh nặng nợ nước ngoài. Rõ ràng là các nước không thể áp dụng phương thức cũ khi lãi suất của nước Mỹ tăng cao và khiến dòng vốn quay trở lại với nước Mỹ. 

Barry Eichengreen, chuyên gia nghiên cứu lịch sử kinh tế tại Đại học California, nhận định các quốc gia này đã có cơ hội để củng cố lại chi tiêu chính phủ, tăng thuế và mở cửa đón đầu tư nước ngoài vào một số ngành. Tuy nhiên, rào cản về chính trị đã ngăn cản họ. 

Thay vào đó, một số quốc gia lại quay sang chỉ trích Fed. Mới đây nhất, lãnh đạo Brazil vẫn đổ lỗi cho chính sách lãi suất siêu thấp của Mỹ và cho rằng đồng USD yếu khiến hoạt động xuất khẩu của Brazil mất đi sức cạnh tranh. Trước đà lao dốc của đồng rupee, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho rằng chính Fed đã khiến thị trường hoảng loạn. Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Nền kinh tế Brazil đang bị mất cân bằng và nước này cũng rất dễ bị tổn thương khi nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu. 

Trong khi đó, Mexico có được lợi thế so với Brazil và các nước mới nổi khác, chủ yếu là nhờ mối quan hệ thân cận với Mỹ trong suốt thời kỳ kinh tế khó khăn. Dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực viễn thông, năng lượng và giáo dục đã giúp hồi sinh nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Giờ đây, quan hệ với nước Mỹ đang biến thành tài sản. Mặc dù tăng trưởng của Mexico vẫn chưa thể khởi sắc mạnh mẽ, nền kinh tế này được dự đoán sẽ hồi phục theo đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Hơn nữa, Mexico ít bị ảnh hưởng bởi diễn biến của kinh tế Trung Quốc. 

Ở châu Á, giới phân tích chỉ ra rằng Hàn Quốc đã mạnh hơn rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 cũng như khủng hoảng tài chính châu Á trước đó 1 thập kỷ. Nợ nước ngoài ngắn hạn đã từng được coi là “gót chân Achille” của hệ thống tài chính Hàn Quốc. Nhận thức được điều này, chính phủ Hàn Quốc luôn cố gắng giữ cho chỉ số này ở mức có thể kiểm soát được. Nợ nước ngoài ngắn hạn đã giảm từ mức 190 tỷ USD trong năm 2008 xuống còn khoảng 120 tỷ USD. Ngược lại, nợ của Ấn Độ và Indonesia tăng gần gấp đôi.