Bàn về nhóm giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp

TS. Vũ Sĩ Cường

TCTC Online - Đứng trước những bất ổn của nền kinh tế năm 2011, đặc biệt là tình trạng lạm phát cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/CP nhằm đối phó với những vấn đề này. Chính sách tài khóa và tiền tệ đều được thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Lạm phát đã được kiềm chế và đang có xu hướng giảm dần song tác dụng phụ của chính sách bắt đầu bộc lộ từ cuối năm 2011, đầu năm 2012. Những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục trong khi kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn suy thoái, hệ quả là, nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng bước vào giai đoạn khó khăn. Sự can thiệp hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh này là rất cần thiết.

Những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục trong khi kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn suy thoái, hệ quả là, nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng bước vào giai đoạn khó khăn. Sự can thiệp hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh này là rất cần thiết.

Tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay

Theo công thức tính GDP được đề cập trong nhiều sách giáo khoa về kinh tế vĩ mô hiện nay thì GDP = C+I+G+NX. Có 4 nhân tố ảnh hưởng đến GDP của nền kinh tế gồm: (i) tiêu dùng cuối cùng (C) gồm hàng hóa và dịch vụ mà các hộ gia đình mua; (ii) đầu tư (I) bao gồm các nhân tố nhỏ hơn như: đầu tư cố định vào kinh doanh, đầu tư cố định và nhà ở và tồn kho; (iii) chi tiêu của chính phủ (G) và (iv) xuất khẩu ròng (NX). Vì vậy sự thay đổi các yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến tổng sản lượng trong nền kinh tế, hay nói cách khác, là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Số liệu thống kê cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2012 có một số điểm đáng lo ngại, đặc biệt là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và tiêu dùng cuối cùng của người dân

Quá trình sản xuất – tiêu thụ – tồn kho phần nào thể hiện luồng chu chuyển sản phẩm của một chu kỳ sản xuất. Doanh nghiệp (DN) sản xuất ra sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, phần còn lại là tồn kho. Lượng tồn kho lúc cao lúc thấp tuỳ vào từng thời điểm, có thể do DN mở rộng sản xuất vì nhìn thấy cơ hội thị trường và cũng có thể do không bán được sản phẩm của mình.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2010 và 2011 là 7,9% và 10%). Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,6%; công nghiệp chế biến tăng 3,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến trong 3 tháng đầu năm 2012, có thể thấy chỉ số tiêu thụ tăng rất thấp, chỉ 3,5%; tháng 1 thậm chí còn âm (-17%) so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy sẽ có một lượng tồn kho khá lớn do sản xuất ra mà không bán được. Chỉ số tồn kho đến hết tháng 9/2011 là 21,1%, nhưng chỉ ba tháng đầu năm 2012 đã là 32,1 %. Chỉ số tồn kho đặc biệt cao ở các ngành như: sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 101,5%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 94,8%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 90,8%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 63,4%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 51,5%; sản xuất xi măng tăng 44,2%; sản xuất mô tô xe máy tăng 38,9%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 35,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 35,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 31,6%

Sự sụt giảm của chỉ số sản xuất và gia tăng chỉ số tồn kho cho thấy các DN đang rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và vì vậy sẽ có thể phải thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải lao động. Hệ quả là, tổng cầu sẽ giảm đi khi tiêu dùng sản phẩm phục vụ cho hoạt động của khu vực DN và của người dân giảm đi đáng kể. Sự suy giảm này của tổng cầu được thấy rõ khi xem xét số liệu về tổng mức bán lẻ hàng hóa giai đoạn gần đây.

Tăng trưởng tổng mức bán lẻ của năm 2011 là 4,7%, thấp hơn nhiều so với mức 14% của năm 2010. Từ quý I/2011, tăng trưởng tổng mức bán lẻ bắt đầu giảm sút một cách đều đặn, ba tháng đầu năm 2012 cũng chỉ là 5% so với cùng kỳ 2011 là 8,7% và cùng kỳ 2010 là 14,4%. Sang tháng 4/2012 tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng chỉ tăng 1,8% so với tháng trước. Sức mua giảm sút, một phần là do lạm phát trong năm 2011 tăng cao (18,58%), thu nhập của phần lớn người lao động không có sự thay đổi trong khi giá cả các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tăng lên. Điều này cho thấy dù đầu năm 2012 lạm phát đã được kiềm chế nhưng do thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút mạnh qua nhiều năm lạm phát cao cùng với việc thắt chặt chi tiêu (lương, thưởng) của các DN nên tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình vẫn thấp hơn nhiều năm 2010.

Những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cùng với lãi suất vay vốn quá cao khiến các DN, nhất là các DN ở khu vực dân doanh không thể đầu tư mở rộng sản xuất mới. Hệ quả là mức đầu tư của khu vực này so với GDP của quý I/2012 tiếp tục giữ ở mức thấp so với giai đoạn 2008-2010.

Tình hình sản xuất khó khăn khiến nhiều DN lâm vào tình trạng giải thể, phá sản. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng thế giới, số DN bị giải thể, phá sản tính đến cuối năm 2011 là 79.014 DN, trong đó theo số liệu của Tổng cục Thuế, số DN nộp thuế năm 2011 chỉ là 400.000 trong số 600.000 DN có mã số thuế. Điều đó có nghĩa là một số rất lớn DN giải thể, phá sản nhưng không đăng ký hoặc có đăng ký nhưng không có hoạt động thực tế. Tính riêng quý I/2012, con số này là gần 12.000 DN, trong khi số DN thành lập mới trong quý I/2012 chỉ 17.800. Việc DN đăng ký thành lập rồi sau đó đăng ký giải thể hay ngừng hoạt động là chuyện bình thường đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tuy nhiên với lượng DN giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng cao như hiện nay (bằng 77,8% so với số DN thành lập mới), cộng với những tác động ảnh hưởng như đã phân tích ở trên cho thấy nền sản xuất trong nước đang thực sự gặp khó khăn. Tình trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Số liệu về tăng trưởng GDP theo quý những năm gần đây cho thấy mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2012 vẫn chưa phải thấp nhất (cao hơn 2009) song xu thế tăng GDP đang chậm dần.

Tình hình kinh tế đầu năm 2012 đặt các nhà làm chính sách, nhất là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng thì có thể lạm phát cao quay lại, nếu tiếp tục duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ thì có thể dẫn tới tình trạng suy thoái kinh tế, sự phá sản của hàng loạt DN và thất nghiệp gia tăng.

Giải pháp tài khóa hỗ trợ DN: Nhà nước chia sẻ khó khăn với các DN

Nhằm tháo gỡ khó khăn và góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN và cá nhân, ngay từ tháng 3/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 04/2012/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập DN phải nộp quý I, quý II/2011 của DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong các ngành dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản. Ước tính sẽ có 160.000 DN được giãn nộp thuế với số tiền thuế hơn 10.000 tỷ đồng.

Tháng 5/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tổng số tiền thực chất của gói hỗ tài chính (chủ yếu là các biện pháp về thuế) cho DN theo Nghị quyết 13/NQ-CP vào khoảng 9489, 5 tỷ đồng gồm:

- Giãn thuế giá trị gia tăng phải nộp của quý II/2012 trong 6 tháng (Bộ Tài chính ước tính là 12.300 tỷ đồng). Điều này tương đương với việc Nhà nước cho các DN này vay số tiền trên trong thời hạn 6 tháng mà không lấy lãi. Nếu DN phải vay ngân hàng số tiền trên với lãi suất 18 % thì số lãi phải trả ước tính là 1.107 tỷ. Ngoài ra các DN này và các DN sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thủy, sản xuất thép, xi măng được giãn thời hạn nộp thuế thu nhập DN của năm 2011 trong thời gian 9 tháng, ước tính số thuế được giãn là 3.500 tỷ. Tính toán tương tự trên thì số tiền DN được hỗ trợ là 472,5 tỷ đồng.

- Giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp của các DN vừa và nhỏ, miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN trong năm 2012 cho một số đối tượng, miễn thuế môn bài cho các hộ đánh bắt hải sản, sản xuất muối. Tổng số tiền được miễn, giảm của các khoản này ước tính là 4.100 tỷ đồng.

- Số tiền miễn giảm 50% tiền thuê đất cho DN theo Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ có bổ sung thêm các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, ước tính vào khoảng 1.500 tỷ đồng.

+ Dự kiến thực hiện các biện pháp tăng chi tiêu từ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn khoảng 2.670 tỷ đồng.

Các khoản khác như phí bảo trì đường bộ là những khoản Nhà nước dự kiến thu năm 2012 nhưng được hoãn sang năm sau cũng có tác động hỗ trợ gián tiếp làm giảm chi phí sản xuất cho DN (nhất là các DN vận tải) và tăng thêm thu nhập khả dụng của người dân nhằm kích thích tiêu dùng thêm (dù không lớn).

Từ cơ sở lý thuyết của kinh tế học hiện đại và thực tiễn kinh tế Việt Nam có thể đưa ra một số nhận xét về gói giải pháp hỗ trợ DN của Chính phủ:

Thứ nhất, việc ban hành gói hỗ trợ tập trung vào các giải pháp tài khóa như Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì tác động của gói hỗ trợ đến tổng cầu chỉ vào khoảng 0,8%. Do vậy, gói giải pháp năm 2012 có sự khác biệt rất lớn so với gói kích cầu năm 2009, những giải pháp cho năm 2012 chỉ mang tính hỗ trợ và hướng đến một số đối tượng là DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động – là nhóm DN dễ bị tác động nhất khi suy thoái, khó tiếp cận tín dụng nhất và có ảnh hưởng lớn đến tạo việc làm trong nền kinh tế. Các biện pháp giãn, giảm thuế sẽ đẩy nhanh quá trình chu chuyển vốn của DN, tạo điều kiện cho DN tăng vốn lưu động tạm thời với giá rẻ, từ đó làm tăng lợi nhuận của DN và tăng sức mua chung của cả thị trường.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, thu ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ bị sụt giảm. Số liệu của Bộ Tài chính về thu chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm cho thấy số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm đáng kể, khoảng 1.300 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 234.390 tỷ đồng bằng 31,7% dự toán, trong đó, thu nội địa bằng 30,9% dự toán, chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước trong 4 tháng ước đạt 264.076 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2011. Do đó, dư địa để sử dụng chính sách tài khóa trong kích cầu là rất khó. Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần đầu tư của khu vực nhà nước và tăng vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực. Chính phủ sẽ đi ngược lại cam kết tái cơ cấu một khi tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng theo chiều rộng – mô hình được coi là rất kém hiệu quả. Có thể nói việc lựa chọn nhóm mục tiêu trong gói hỗ trợ là hợp lý, khả thi và nhất quán với mục tiêu chung.

Hai là, trong nền kinh tế thị trường, việc chấp nhận một tỷ lệ nhất định các DN hoạt động kém hiệu quả, thích ứng không tốt bị giải thể, phá sản là tất yếu nhằm phát triển nền kinh tế theo hướng lành mạnh và ổn định hơn. Các nhà kinh tế gọi vấn đề này là “phá hủy để sáng tạo” (creative destruction), thuật ngữ được nhà kinh tế Joseph Schumpeter sử dụng lần đầu tiên trong tác phẩm Capitalism, Socialism and Democracy.

Ý tưởng này đã được Marx đề cập đầu tiên trong tác phẩm Tuyên ngôn về Chủ nghĩa Cộng sản và được rất nhiều nhà kinh tế sau này phát triển thêm (xem tổng kết của Reinert, Hugo; Reinert, Erik S (2006).

Ở Việt Nam tính đến 30/4/2012, trong tổng số hơn 647.600 DN đã thành lập, cả nước còn khoảng 463.800 nghìn DN đang hoạt động, chiếm 71,6%, có trên 81.900 DN đã giải thể, trên 16.000 DN đã đăng ký dừng hoạt động và trên 85.800 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Tỷ lệ gần 30% DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là con số có thể chấp nhận được. Tại Anh, tỷ lệ DN tồn tại sau 3 – 5 năm là 70%, còn tại Mỹ tỷ lệ này sau 5 năm hoạt động là dưới 50%.

Ba là, nếu xem xét tình hình hoạt động của các DN Việt Nam theo chỉ số PMI (Purchasing Managers, Index – tạm dịch là chỉ số mua sắm dựa vào điều tra tư các nhà quản trị) thì bức tranh cũng không quá bi quan. Về tổng thể dù chỉ số PMI tháng 4/2012 giảm nhẹ dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy các DN đang thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên sự suy giảm chỉ số này thấp hơn nhiều giai đoạn từ tháng 12/2011- tháng 2/2012. Xem xét kỹ hơn các thành phần của PMI cho thấy sự sụt giảm này là do các DN đang tìm cách cắt giảm hàng tồn kho trong tháng 4/2012. Trong khi Ý tưởng này đã được Marx đề cập đầu tiên trong tác phẩm Tuyên ngôn về Chủ nghĩa Cộng sản và được rất nhiều nhà kinh tế sau này phát triển thêm (xem tổng kết của Reinert, Hugo; Reinert, Erik S (2006).

Kết luận

Có thể thấy dù nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, song đó là hệ quả tất yếu của những chính sách ổn định vĩ mô mà Việt Nam đang tiến hành từ năm 2011. Về tổng quan, những mục tiêu của Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 đã đạt được như kiềm chế lạm phát, giảm thâm hụt thương mại, giữ ổn định tỷ giá và giảm bội chi ngân sách. Do đó, sự suy giảm kinh tế có thể coi là tác dụng phụ và tình hình vẫn trong vòng kiểm soát nên cần cẩn trọng giải quyết. Khó khăn của các DN hiện nay một phần do chính sách vĩ mô những năm gần đây biến động khó lường, phần khác do việc theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng mà ít chú trọng đến nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cả nền kinh tế và bản thân các DN. Việc Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ DN là rất cần thiết nhằm chia sẻ những khó khăn mà các DN đang gặp phải. Tuy nhiên, bản thân các DN cũng cần phải tự điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của mình nhằm từng bước thích nghi với bối cảnh kinh tế mới. Duy trì chính sách vĩ mô ổn định, nhất quán là điều mà chính phủ cần làm để thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế.

___________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính – Tình hình thu chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm;

2. Chính phủ - Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012

3. Tư Giang (2012) “DN đang chết, nhà nước làm gì” – Thời báo Kinh tế Sài gòn 12/4/2012;

4. Mankiew G (2003) – Macroeconomics – Tái bản lần thứ 5 – Worth Publisher, New York;

5. Hồng Phúc (2012). “Công bố PMI – chỉ số nhà quản trị mua hàng” - Thời báo Kinh tế Sài gòn 12/4/2012;

6. Phạm Văn Hà – Kinh tế Việt Nam quý I/2012 và triển vọng – Hội thảo Viện CLCS Tài chính 05/2012;

7. Reinert, Hugo và Reinert, Erik S. (2006). “Creative Destruction in Economics: Nietzsche, Sombart, Schumpeter” The European Heritage in Economics and the Social Sciences, 2006;

8. Schumpeter, Joseph A. (2003). Capitalism, Socialism and Democracy. London: Routledge;