Bảo đảm an ninh mạng khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Vấn đề an ninh mạng và sử dụng phần mềm trong quá trình từ sản xuất sản phẩm đến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có ảnh hưởng không nhỏ đối với việc phát triển thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bảo đảm an ninh mạng khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Vì vậy, an ninh mạng đã trở thành một vấn đề mà mọi DN cần quan tâm trước tình trạng tin tặc, ăn cắp bản quyền, sử dụng phần mềm... Nguồn: internet
Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong hội thảo “Xử lý cạnh tranh không công bằng tại Hoa Kỳ, chuỗi cung ứng và các vấn đề an ninh mạng” do Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM tổ chức ngày 19/11.

Theo ông Michael Mudd, Trưởng đại diện khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Computing Alliance, trong bối cảnh toàn cầu hóa và “thế giới phẳng” như hiện nay, các DN muốn phát triển thì ngoài nhu cầu sử dụng Internet, việc sử dụng các phần mềm và bảo quản các dữ liệu đã trở thành điều kiện cần thiết để tham gia vào thị trường toàn cầu.

Việc bảo mật các thông tin dữ liệu cũng như sử dụng các phần mềm quản lý, phần mềm thiết kế, phần mềm của quá trình sản xuất kinh doanh hợp pháp sẽ là một trong những điều kiện tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các DN.

Theo Computing Alliance, hiện nay Việt Nam có hơn 44 triệu người sử dụng Internet và hơn 500.000 DN đã và đang sử dụng các dữ liệu vi tính và mạng xã hội. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 18 trên thế giới về số lượng người sử dụng mạng, đứng thứ 6 về sử dụng, khai thác qua email nhưng lại đứng thứ 18 thế giới về mức độ bị tấn công mạng.

Vì vậy, an ninh mạng đã trở thành một vấn đề mà mọi DN cần quan tâm trước tình trạng tin tặc, ăn cắp bản quyền, sử dụng phần mềm, dữ liệu bất hợp pháp đang xảy ra tràn lan như hiện nay.

Ông Trần Võ Quốc Sơn, Giám đốc tư vấn pháp luật công ty Unilever Việt Nam cho biết, bên cạnh những thiệt hại về vật chất thì vấn đề vi phạm an ninh mạng còn ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng của các tập đoàn, công ty khi bị ăn cắp bản quyền, bị sao chép thiết kế, bị tấn công qua mạng.

Ngoài việc ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng về các dịch vụ, sản phẩm của công ty, các cuộc tấn công qua mạng có thể dẫn tới nguy cơ lộ các thông tin bảo mật của DN như chiến lược kinh doanh.

Nắm vững luật để tránh thiệt hại

Ông Peter N. Fowler, đặc phái viên liên lạc chính giữa Chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền các nước trong khu vực, điều phối viên các hoạt động của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cho rằng, Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng trở thành một thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ luật pháp, nắm bắt kịp thời tất cả quy định về pháp lý, quy luật cạnh tranh tại thị trường, sẽ có vai trò quyết định tới sự thành công của các DN Việt Nam khi tham gia thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Ông Peter N. Fowler cho biết, trong thời gian qua tại Hòa Kỳ nói chung và các bang trực thuộc nói riêng đã nổi lên việc nhiều DN xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ vô tình tới cố ý bị vướng vào vấn đề an ninh mạng. Cụ thể như: Để lộ dữ liệu của công ty cho đối thủ cạnh tranh, sử dụng phần mềm dữ liệu trong sản xuất kinh doanh không hợp pháp, không đăng ký, không có hợp đồng… đã dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng của hàng hóa giữa các nước, các công ty vào thị trường Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, bên cạnh việc phải tuân thủ luật chung, mỗi tiểu bang có ban hành những luật riêng. Vì vậy, khi hàng hóa xuất khẩu vào bang nào ngoài nắm bắt luật chung của Hoa Kỳ, các DN phải tìm hiểu các luật riêng của từng tiểu bang. Theo đó, vấn đề sử dụng phần mềm trong xuất nhập khẩu ngoài tuân thủ theo quy định của Luật Hoa Kỳ phải được đăng ký với từng tiểu bang nơi hàng hóa đến. Nếu bên xuất khẩu không đăng ký và sử dụng phần mềm khác sẽ bị coi là không hợp lệ và có thể bị kiện.

Hơn nữa, những công ty, thương hiệu từng liên quan tới các vụ kiện về cạnh tranh không công bằng, an ninh mạng sẽ bị các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo với các nhà nhập khẩu. Người tiêu dùng tại đây cũng sẽ mất niềm tin và “tẩy chay” với những loại hàng hóa đã có tiền lệ vi phạm. Khi đó, việc xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường của các DN sẽ trở nên khó khăn hơn, ông Peter N. Fowler chia sẻ.

Hiện tại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ chủ yếu là hàng nông sản, may mặc và da giày. Đến thời điểm này, chưa có DN Việt Nam nào bị kiện về các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro dẫn đến bất lợi và thiệt hại, các DN Việt Nam cần thực hiện các quy định về bản quyền, hợp đồng phần mềm trong cung cấp dịch vụ một cách rõ ràng, đầy đủ. Các DN cần nắm bắt các thông tin, kiểm soát, kiểm tra các phần mềm mà nhà thầu của mình đang sử dụng để ngăn chặn tình trạng vi phạm khi hàng đã vào thị trường Hoa Kỳ.