Bảo hiểm theo chỉ số: Cứu cánh cho nông dân?

Theo Vietnamnet

Cách mà Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nông dân thông qua khoanh nợ, xoá nợ, theo các chuyên gia bảo hiểm quốc tế, đã không tạo ra động lực để các hộ dân ứng xử chủ động và có kế hoạch đối với những rủi ro thiên tai. Liệu bảo hiểm chỉ số có giải quyết được vấn đề này?

Cách hỗ trợ khiến nông dân bị động

TS. Jason Hartell đến từ Công ty bảo hiểm Global AgRisk (Hoa Kỳ), nhận xét, đôi lúc những chính sách bảo hiểm, chính sách tín dụng của Chính phủ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân lại trở thành một sai lầm nếu rủi ro đó không được định giá đúng.
Điển hình như tại Marocco, giai đoạn hạn hán 1977-2001, Chính phủ nước này hỗ trợ quá nhiều cho ngành sản xuất lúa mì đang bị suy giảm vì hạn hán. Kết quả, diện tích trồng lúa mỳ mở rộng quá mức. Marocco đã phải chi một nguồn tiền lớn, không đáng có, trong khi nông dân lại thụ động, ỷ lại.
Tại Việt Nam, TS. Jason Hartell cho rằng, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) thời gian qua đóng vai trò chủ chốt trong việc cho hàng triệu hộ nông dân vay vốn để sản xuất, song, lại chưa phân biệt được những rủi ro mà người dân có thể gặp phải. Do đó, khi gặp thiên tai, thảm họa, Agribank thường phải khoanh nợ, xóa nợ cho nông dân.
Trên thực tế, Agribank đã hoạt động như một DN bảo hiểm nông nghiệp, nhưng phí trả cho rủi ro mà thiên tai gây ra lại được Chính phủ hỗ trợ từ nguồn ngân sách, thay vì do nông dân đóng. Điều này không tạo ra động lực để các hộ dân ứng xử chủ động và có kế hoạch đối với những rủi ro mà họ có thể gặp phải trong tương lai.
Tình hình chỉ được cải thiện phần nào khi ngân hàng này chuyển dần sang mô hình hoạt động của một ngân hàng thương mại. Theo đó, Agribank bắt đầu giảm những khoản vay như vậy, nông dân phải gánh chịu chi phí rủi ro nhiều hơn. TS.Jason Hartell cho rằng, đây là cơ hội để phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam.
Tất nhiên, bảo hiểm nông nghiệp chỉ có thể thực hiện thành công khi nó trở thành một chính sách của Nhà nước. Các giải pháp Việt Nam áp dụng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như giãn nợ, khoanh nợ cho nông dân, theo PGS-TS. Đào Văn Hùng, giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, vẫn chỉ mang tính chất tạm thời, tình thế, nặng về bao cấp.

Ông Hùng nhấn mạnh, giải pháp lâu dài, bền vững phải là giải pháp thị trường, tức là có sự tham gia của các DN bảo hiểm vào người nông dân cần ý thức rõ ràng về việc làm thế nào để giảm thiểu tối đa rủi ro.

TS. Jason Hartell cho biết, hiện nay, các nước đang phát triển thường áp dụng loại hình bảo hiểm cây trồng dựa trên sản lượng thực tế cũng như những thiệt hại cụ thể mà rủi ro gây ra. Hạn chế của nó là chỉ hộ dân thấy có thể gặp rủi ro cao nhất mới mua, khó định giá đúng rủi ro, chi phí quản lý và kiểm soát lớn...

Thực tế những năm 90, Tập đoàn Bảo Việt đã thực hiện việc bảo hiểm cây trồng và phải tạm dừng do chi phí quá cao.

Giải pháp: Bảo hiểm theo chỉ số?

TS. Đào Văn Hùng nói rằng, Chính phủ Việt Nam vừa kết hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển khai dự án phát triển bảo hiểm nông nghiệp nhằm đưa ra phương pháp tiếp cận mới là bảo hiểm theo chỉ số. Đó là việc lấy chỉ số khách quan của từng đối tượng bảo hiểm (ví dụ đối với cây trồng chỉ số bảo hiểm là thời tiết) làm căn cứ xét bồi thường.
Ông Hùng đánh giá, bảo hiểm theo chỉ số khắc phục được các nhược điểm của bảo hiểm truyền thống, quy định mức bồi thường tương ứng với các chỉ số, mà không cần tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại của từng cá nhân. Mức độ bồi thường được tính trên cơ sở năng suất bình quân chung nhiều năm của cả vùng hay tiểu vùng sinh thái.
Ưu điểm của phương pháp này là khả năng rủi ro về đạo đức khá thấp vì căn cứ để xét bồi thường là chỉ số khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn và hành vi chủ quan của con người.
Đồng thời, giảm chi phí quản lý, tránh được tình trạng trục lợi bảo hiểm. Nông dân cũng dễ dàng nhận bồi thường nếu chẳng may rủi ro xảy ra. Theo ông Hùng, thị trường này sau khi được thử nghiệm, chắc chắn có nhiều tiềm năng phát triển.
Tại Việt Nam, bảo hiểm chỉ số đã được áp dụng thí điểm tại ĐBSCL, cụ thể là Đồng Tháp, 3 năm qua. Chỉ số bảo hiểm ở đây dựa trên mực nước lũ sớm, chẳng hạn như nếu vượt quá 270cm ở đập Tân Châu, bà con ở huyện Hồng Ngự và Tam Nông lúa bị ngập do không kịp thu hoạch thì cứ việc đến công ty bảo hiểm đòi tiền.
Một chương trình tương tự cũng đã được triển khai ở Tây Nguyên, chỉ số thời tiết là độ khô hạn ảnh hưởng đến năng suất cà phê. Nếu các chương trình này thành công, dự án sẽ nghiên cứu triển khai ở Đồng bằng sông Hồng.
"Khảo sát của chúng tôi tại khu vực ĐBSCL cho thấy, nhiều hộ nông dân cũng sẵn sàng mua bảo hiểm để đảm bảo sự an toàn cho hoạt động sản xuất”, ông Hùng nói.