Bảo hiểm xã hội: Hoàn thiện chính sách và minh bạch thông tin

Theo Nam Khánh - Hải Anh/nhandan.com.vn

Mặc dù ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc thực thi, tuy nhiên, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đến nay đã bộc lộ những bất cập, như diện bao phủ còn thấp, tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng… Điều này dẫn tới tốc độ bao phủ BHXH hạn chế và về lâu dài ảnh hưởng vấn đề an sinh xã hội, đòi hỏi có những giải pháp hiệu quả để điều chỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Người lao động vẫn còn thiếu thông tin và niềm tin

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người rút BHXH một lần đang tiếp tục gia tăng nhanh. Bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là do điều kiện để được hưởng BHXH một lần quá rộng rãi (chỉ cần nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia là được hưởng). Trong khi điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá dài đã làm nản lòng một bộ phận người lao động. Quy định phải có 20 năm tham gia BHXH mới được nhận chế độ hưu trí khiến cho những người có thời gian tham gia tương đối dài, thậm chí đến 19 năm, vẫn phải nhận BHXH một lần; những người ở độ tuổi 45-50 chưa tham gia cũng không thể tham gia được vì sẽ không đủ điều kiện về thời gian để hưởng chế độ hưu trí.

Mặt khác, như ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, do một số người có tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn nặng nề, chưa hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh khi về già, cùng với điều kiện về đời sống còn khó khăn nên mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt. Ngoài ra, trong thời gian qua lan truyền thông tin so sánh về lợi ích của việc tham gia BHXH với bảo hiểm nhân thọ và với gửi tiết kiệm rồi đưa ra nhận định rằng, đầu tư để tham gia BHXH là rất thiệt thòi so với hai loại hình trên, đã tác động rất lớn đến tâm lý người lao động.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: Nếu hưởng BHXH một lần, người lao động sau này sẽ rơi vào tình trạng “bi đát”, chuyển việc… Bởi chủ sử dụng lao động và Nhà nước đóng bảo hiểm cho người lao động là chế độ dự phòng. Việc đóng này nhằm mục đích bảo đảm vấn đề an sinh xã hội lâu dài. Việc người lao động rút BHXH một lần sẽ khó bảo đảm cuộc sống tuổi già và vô hình tạo gánh nặng cho xã hội về lâu dài, ảnh hưởng vấn đề an sinh xã hội.

Cần giải pháp tổng thể

Tính đến năm 2017, tổng số người tham gia BHXH trên cả nước là 13,9 triệu người (trong đó: BHXH bắt buộc là 13,6 triệu người, BHXH tự nguyện là 0,3 triệu người), tăng hơn 2,3 lần so với thời điểm Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực (ngày 01 tháng 01 năm 2007). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong tổ chức và thực hiện chính sách BHXH ở nước ta còn một số tồn tại chính như diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp. Chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 phải bảo đảm 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, nhưng hiện nay, tỷ lệ tham gia BHXH ở nước ta mới đạt khoảng 29%, thời gian chỉ còn hơn hai năm, là một thách thức lớn để đạt được mục tiêu này.

Đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân trên cơ sở xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng… là một trong những nội dung của Nghị quyết về Cải cách chính sách BHXH mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa thông qua tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay chúng ta còn 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, thời gian tới phải tập trung cao phát triển BHXH trong lực lượng này; ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn của BHXH, đồng thời Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người khó khăn có thể tham gia BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay Nhà nước hỗ trợ chi phí 30% cho hộ nghèo tham gia BHXH, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và người bình thường 10% để tham gia BHXH”. Tuy nhiên, ông Dung cho rằng những quy định này chưa thật sự tạo hiệu quả thực tế vì người nghèo dù có được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí thì cũng khó có thể tham gia được. Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhằm hướng tới BHXH toàn dân, cần tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô, bởi trong tổng số 53 triệu lao động hiện nay, mới chỉ có 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và chỉ có 200 nghìn người tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Theo ý kiến của TS. Nguyễn Văn Định, giảng viên khoa Bảo hiểm, Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị, bộ máy BHXH nên mở rộng tới cấp thôn, xã bằng cách xây dựng hệ thống đại lý. Bởi đa số người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hiểu hết tính ưu việt của BHXH nên chưa chủ động tham gia.
Cùng đó, các chuyên gia đề xuất, để hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần, cần có giải pháp tổng thể, căn cơ hơn. Chẳng hạn như rút ngắn điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện… để người lao động thấy được lợi ích thiết thực khi tích lũy thời gian đóng BHXH nhằm hưởng lương hưu, chấp nhận một mức lương hưu (gồm cả BHYT) khiêm tốn còn hơn không có. Bên cạnh đó, chính sách BHXH phải tiếp tục tính toán hoàn thiện thêm. Nếu minh bạch được số thời gian đóng, bảo đảm an toàn phát triển của quỹ thì người lao động yên tâm hơn. Khi đó, họ sẽ tự nguyện tham gia BHXH.