Bảo vệ thương hiệu Việt qua sử dụng công cụ chỉ dẫn địa lý

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều năm qua, sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm thô phổ biến đối với ngành nông nghiệp nước ta. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần chú trọng, khuyến khích hơn nữa việc đăng ký và thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, thủy sản là một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng này.

Bảo vệ thương hiệu Việt qua sử dụng công cụ chỉ dẫn địa lý
Một số sản phẩm đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước. Nguồn: internet

Chỉ dẫn địa lý  (GI) được biết đến như là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo đó, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp này còn chưa được các doanh nghiệp, các địa phương quan tâm, chú trọng. Cả nước hiện có gần 1.000 loại nông sản đặc sản có khả năng phát triển thành các chỉ dẫn địa lý, song mới chỉ có hơn 30 sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và chỉ duy nhất sản phẩm nước mắm Phú Quốc được công nhận và bảo hộ GI tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân công cụ bảo hộ GI chưa được sử dụng phổ biến là do điều kiện đăng ký bảo hộ GI còn phức tạp, thủ tục còn quá rườm rà. Thêm vào đó, các cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký bảo hộ phải tiêu tốn một khoản chi phí tương đối lớn. Theo nghiên cứu, để được bảo hộ GI, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của quốc gia thực hiện việc bảo hộ, các tổ chức, cá nhân bảo hộ sẽ phải chuẩn bị nhiều thủ tục khá phức tạp và trong thời gian dài. Chẳng hạn, nước ta đã phải thực hiện các thủ tục và chờ trong 3 năm để có thể hoàn thành việc đăng ký GI cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc tại thị trường EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta dường như chỉ quan tâm đến lượng sản phẩm sẽ bán và xuất khẩu được, mà chưa thực sự chú trọng việc dán nhãn cũng như đăng ký bảo hộ GI nhằm xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu của chính đơn vị tại thị thường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng chưa thực sự quan tâm việc đăng ký bảo bộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa nhằm xây dựng thương hiệu Việt và sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước để thực hiện đăng ký bảo hộ GI còn yếu.

Trong khi đó, xây dựng thương hiệu Việt cũng như việc đăng ký bảo hộ GI cho nông sản sẽ góp phần tích cực trong việc tăng giá trị gia tăng cho các mặt hàng này. Đại diện Phòng Sáng chế công nghiệp Na Uy Karine Lutnaes Aigner cho biết, giá của sản phẩm có dán nhãn GI cao gấp 2,23 lần giá sản phẩm tương tự không đăng ký GI. Thêm vào đó, thực hiện dán nhãn GI còn bảo đảm lợi ích cho cả người tiêu dùng. Bởi đó là những sản phẩm được chứng nhận, vừa bảo đảm về xuất xứ, bảo đảm chất lượng, được khẳng định thông qua các thông số chi tiết; vừa bảo đảm tính trung thực do không có sự bắt chước, nhái lại các sản phẩm khác. Ngoài ra, theo Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA - gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) Trần Trung Thực, tăng cường thực hiện bảo hộ GI sẽ góp phần tăng lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu hàng Việt cũng như cho các nông sản, thủy sản, khi nước ta tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Trong giai đoạn nền kinh tế ngày càng mở cửa và hội nhập sâu, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm, chú trọng xây dựng và phát triển đề án hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức cũng như các hộ sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Trong đó, tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký và thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý vùng, miền đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản nhằm tăng giá trị gia tăng, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho nông sản, thủy sản nước ta so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.