6 tháng đầu năm, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng mạnh
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đối với giao thương cũng như đầu tư giữa các nước, nhưng tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh vẫn đạt con số 222,67 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp trên thế giới, trong tháng 6/2020, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tăng với 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 3 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 42 triệu USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy qua 6 tháng các doanh nghiệp Việt Nam đã có 70 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 185,3 triệu USD (tăng 78,4 so với cùng kỳ) và 14 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 37,4 triệu USD (bằng 38,9% so với cùng kỳ năm 2019).
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 5/2020, có một đại dự án của doanh nghiệp Việt Nam (Công ty TNHH Vonfram Masan) đầu tư vào thị trường Đức với vốn đăng ký đầu tư lên tới 91,5 triệu USD. Đây là dự án đầu tư ra nước ngoài quy mô thuộc diện lớn nhất kể từ đầu năm tới nay.
Theo đó, Đức đã trở thành thị trường đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, với 4 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 92,6 triệu USD, chiếm 41,6% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam; đứng thứ hai là thị trường Myanmar, với 38,3 triệu USD, chiếm 17,2%; thứ ba là Lào, Hoa Kỳ, Singapore…
Cũng trong 6 tháng qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực. Đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 3 dự án cấp mới và 2 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 137,9 triệu USD, chiếm 61,9%; thứ hai là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư 33,8 triệu USD, chiếm 15,2%; tiếp theo là các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ...
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài vẫn tăng dù Covid-19 là nhờ sự cởi mở của môi trường pháp lý đầu tư, hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài ngày càng hoàn thiện, qua đó mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng thể hiện rõ nét qua thị trường, lĩnh vực và quy mô đầu tư.
Có thể kể đến, Nghị định số 83/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài. cho phép các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần hoàn thiện giấy chứng nhận đăng kí đầu tư là có thể bắt đầu dự án; Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT chuẩn hóa thủ tục pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vừa tạo thông thoáng, vừa giúp cơ quan quản lí nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam...
Trong thời gian tới, trước những thách thức của nền kinh tế toàn cấu, doanh nghiệp Việt Nam cần có quyết định đầu tư khi đã có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về dự án từ các cơ quan chức năng có liên quan ở cả phía Việt Nam và quốc gia nhận đầu tư để tránh gặp phải những rủi ro, bất lợi.
Bên cạnh đó, tuân thủ tốt pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các quy định có liên quan, cũng như có thái độ hợp tác với chính quyền, người dân ở quốc gia tiếp nhận đầu tư dựa trên nguyên tắc cùng có lợi để phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình đầu tư.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược đầu tư trung hạn và dài hạn, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài với nhau và chủ động nhận diện rõ rủi ro sẽ phải đối mặt, qua đó có phương án phòng ngừa cụ thể...