Bất ngờ kinh tế quý III

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Tăng trưởng quý IV chỉ cần đạt 6,11% là sẽ cán đích mục tiêu cả năm.

Tăng trưởng quý IV chỉ cần đạt 6,11% là sẽ cán đích mục tiêu cả năm.
Tăng trưởng quý IV chỉ cần đạt 6,11% là sẽ cán đích mục tiêu cả năm.

Duy trì tốc độ, cải thiện chất lượng

Trái với dự báo đầu năm về xu hướng giảm tốc dần qua từng quý của nền kinh tế, GDP quý III/2018 ước tính tăng 6,88%, cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây.

Cụ thể, số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo cuối tháng 9 cho thấy, cả 3 khu vực quan trọng của nền kinh tế đều duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả.

Trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng của cả khu vực công nghiệp và xây dựng khi giữ vững vai trò động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Với mức tăng 12,65%, tuy tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016. Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước, nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016.

Với kết quả tích cực đạt được trong 9 tháng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm “gần như đã nằm trong tầm tay”, ông Dương Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia khẳng định. Bởi theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý IV cần đạt tối thiểu 6,11%, trong khi quý cuối cùng của các năm từ 2015-2017 đều tăng ở mức cao hơn so với mục tiêu trên.

Quan trọng hơn, theo ông Hùng, cỗ máy tăng trưởng không chỉ duy trì được tốc độ mà chất lượng cũng ngày càng cải thiện. Điều này thể hiện ở đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GDP ngày càng tăng. Riêng trong năm 2018, dự kiến đóng góp của TFP khoảng 40,23%. Tính chung giai đoạn 2016-2018 đóng góp của TFP là 42,18% cao hơn gần 10 điểm % so với giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy vai trò của yếu tố khoa học công nghệ, quản trị… được cải thiện đáng kể.

Năng lực nền kinh tế được mở rộng

Việc nền kinh tế không giảm tốc trong quý III như dự đoán, theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ngoài các động cơ chính giữ vững tốc độ vận hành, thì năng lực của nền kinh tế đã được mở rộng nhờ chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, ngành. Nhờ đó tạo thêm lực đẩy cho nền kinh tế trong 9 tháng, đồng thời tạo đà cho các năm tiếp theo.

Theo đó, trong năm 2018 rất nhiều công trình ở các nhóm cơ sở hạ tầng, sản xuất điện, các nhà máy trong khu vực chế biến chế tạo, nông nghiệp… được đầu tư hoàn thành và đi vào sử dụng. Vì vậy năng lực nền kinh tế được mở rộng và đi lên. Điển hình là Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hoá đã đi vào hoạt động và đang có kế hoạch chạy hết công suất nếu thị trường có giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Hay các dự án sản xuất thép, nhôm trong 9 tháng đầu năm đều đạt sản lượng cao và xuất khẩu tốt.

“Đây là cơ sở và cũng là đà để kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý IV cũng như các năm tới. Và với diễn biến 9 tháng vừa qua, chúng tôi dự báo nhiều khả năng nền kinh tế sẽ đạt cận trên mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, tức là vượt mức 6,7%”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Mặc dù có nhiều cơ sở để lạc quan vào diễn biến kinh tế trong quý còn lại của năm 2018, song Tổng cục Thống kê cảnh báo, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt chiến tranh thương mại gia tăng đang tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước. Nguy cơ càng lớn hơn khi độ mở của nền kinh tế tiếp tục tăng nhanh. 9 tháng đầu năm 2018 độ mở nền kinh tế đã là 229,5%, tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2016 là 199,7% và năm 2017 là 215,9%. Vì độ mở lớn nên kinh tế trong nước rất dễ dính vào vòng xoáy kinh tế thế giới.

Trước bối cảnh đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị các nhóm giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo đà cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Cụ thể, trong thời gian tới chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng. Lãi suất, tỷ giá cần điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, kiểm soát tốt tín dụng nhất là trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng; chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm, trong đó cần chú trọng các dự án lớn, quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của DN và các cơ sở kinh doanh cá thể.

Về lạm phát, cơ quan này đề nghị các bộ ngành địa phương, cần bám sát tình hình giá cả trong nước và thế giới, diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biến động đồng USD, NDT, giá các mặt hàng hoá cơ bản… để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4%…

Đặc biệt, để nền kinh tế có thể hoà nhập và không bị bỏ lại trong cuộc CMCN 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút FDI, tập trung thu hút các NĐT hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn, năng lực cạnh tranh cao vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Điều hành thành công của NHNN góp phần kiểm soát lạm phát

Cùng với các diễn biến của thương mại thế giới và đặc biệt NHTW Mỹ có 3 lần tăng lãi suất, thời gian qua đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác thế giới. Tuy nhiên nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp bằng cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN, nên mặc dù trong tháng qua tỷ giá USD/VND có biến động, nhưng vẫn nằm trong biên độ NHNN điều hành. Điều này cho thấy công tác điều hành tỷ giá của NHNN là rất thành công, là yếu tố góp phần kiểm soát lạm phát dưới 4%.