“Bẫy thu nhập trung bình đã trở thành thực tế cho Việt Nam”

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng: Sau một vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi mà đã trở thành thực tế cho Việt Nam.

 “Bẫy thu nhập trung bình đã trở thành thực tế cho Việt Nam”
Bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi mà đã trở thành thực tế cho Việt Nam. Nguồn: internet

Tại Hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa” do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 26/3, GS. Kenichi Ohno cho biết: Bằng chứng cho thấy đất nước đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hoặc rất có khả năng để vướng bẫy đó là rất phong phú.

Ông Kenichi Ohno cũng chỉ ra 5 triệu chứng của việc vướng bẫy thu nhập trung bình. Đó là tăng trưởng chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt của chuyển dịch cơ cấu theo đúng nghĩa, khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.

Trong số 5 triệu chứng trên, ông Kenichi Ohno cho rằng “bằng chứng rõ ràng đầu tiên” của vướng bẫy thu nhập trung bình là tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng của Việt Nam tăng tốc từ năm 2001 và đạt mức cao nhất 7,55% trong năm 2005. Nhưng sau năm 2006, tăng trưởng có xu hướng đi xuống với những biến động.

Tâm trạng toàn xã hội trở nên ảm đạm, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với những thử thách như tốc độ tăng trưởng được dự kiến là 7-8%, giảm xuống còn 5-6%. Đất nước trải qua một giai đoạn với bong bóng bất động sản xì hơi, lạm phát, nợ xấu và mở rộng khoảng cách thu nhập.

“Tại Indonesia người ta nói rằng tăng trưởng dưới 6% là không thể chấp nhận bởi vì đó sẽ là nguyên nhân gây ra nạn thất nghiệp và các vấn đề xã hội liên quan. Việt Nam cũng là một nền kinh tế tương đối trẻ với tiềm năng lớn cho phát triển hơn nữa, thì tăng trưởng dưới 5-6% cũng cần được xem như một cuộc khủng hoảng xã hội” – GS. Kenichi Ohno nói.

Nếu tăng trưởng giảm sâu hơn nữa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với già hóa, gánh nặng an sinh xã hội và các vấn đề xã hội khác mà không bao giờ đạt thu nhập cao.

Thế nhưng những vấn đề này thực sự rất khó giải quyết, ngay cả đối với những xã hội tiên tiến chứ không chỉ với các quốc gia có thu nhập trung bình. Cũng không thể khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong bao lâu nhưng sẽ là an tâm hơn khi cho rằng nguyên nhân gây ra suy thoái là do cơ cấu chứ không phải tình cờ.

Các chuyên gia cho rằng: Hiện nay chúng ta không đủ cơ sở để thảo luận về cái bẫy, mà Việt Nam cần phải nhanh chóng để vượt qua nó.

GS., TS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế quốc dân cho rằng: Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi chu kì tăng trưởng chậm, do vậy Việt Nam cần khởi tạo động lực tăng trưởng mới nhằm nâng cao giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động, chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, dựa vào các lợi thế so sánh bậc cao bao gồm: Lao động chất lượng cao, nguyên liệu tinh chế, vốn lớn, công nghệ hiện đại...

“Tăng cường liên kết các doanh nghiệp nội địa với tập đoàn đa quốc gia là một trong những hướng đi đúng đắn để đạt được mục tiêu này” – GS., TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.