BHXH Việt Nam – Điển hình ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

M. Ngọc

Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) diễn ra sáng ngày 17/8/2017 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã khẳng định: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là điển hình ứng dụng thành công CNTT trong cải cách hành chính.

Ngành BHXH luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính.
Ngành BHXH luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính.

Tham dự buổi làm việc về phía Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam có ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc và đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ cùng đại diện các cục, vụ chức năng liên quan của Bộ TT&TT và BHXH Việt Nam.

Kết quả ấn tượng

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, trong những năm qua, toàn Ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ của Ngành với mục tiêu phục vụ doanh  nghiệp, người lao động và nhân dân ngày một tốt hơn.

Các hoạt động ứng dụng CNTT của Ngành đã đáp ứng yêu cầu của các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, BHXH; Nghị quyết số 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử.

Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, tính đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 14 thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 với lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh rất lớn, trong đó nhiều nhất là hơn 18,5 triệu hồ sơ của thủ tục hành chính cho đơn vị tham gia lần đầu, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Số lượng hồ sơ trực tuyến ít nhất thuộc về thủ tục hành chính cấp lại sổ BHXH do điều chỉnh nội dung ghi trên sổ cũng ở mức 6.000 hồ sơ.

Kết quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của BHXH là “rất ấn tượng”, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) từ 115 TTHC năm 2015 giảm xuống còn 28 TTHC (tính đến 1/7/2017) với nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để doanh nghiệp lựa chọn như: giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính…

Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam đã giúp các đơn vị tham gia BHXH chủ động thời gian nộp hồ sơ (có thể nộp hồ sơ 24/24 kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) giúp các cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí đi lại, chuyển phát, in ấn. Đặc biệt, đã giúp giảm thời gian thực hiện TTHC của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH, BHYT từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm.

Về tình hình triển khai các hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL), ngành BHXH Việt Nam đang xây dựng và sở hữu những HTTT lớn như: Hệ thống giao dịch BHXH điện tử, HTTT giám định BHYT, Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, Hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, BHTN...

Theo đó, Hệ thống giao dịch BHXH điện tử chính thức vận hành từ năm 2015 hiện đã có gần 500 nghìn đơn vị sử dụng lao động trên toàn quốc sử dụng với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và xử lý lên tới hơn 28,6 triệu hồ sơ.

HTTT giám định bảo hiểm y tế được triển khai từ năm 2016 đã kết nối với hơn 12 nghìn cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, thực hiện chuẩn hóa gần 12 triệu dữ liệu danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật. Nhờ có hệ thống tự động phát hiện, BHXH Việt Nam đã từ chối thanh toán trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền lên tới 3.800 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp… Đây là công cụ hữu hiệu ngăn ngừa trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT của một số đơn vị khám chữa bệnh, người chữa bệnh, đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Phục vụ kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia

Các đại biểu tham gia cuộc họp đã cùng trao đổi, thảo luận về tình hình ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ của Ngành; việc chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành có liên quan; triển khai hạ tầng kỹ thuật dùng chung của BHXH Việt Nam; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia của Ngành BHXH; việc ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC;…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ, từ năm 2015, hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam đã được thiết kế lại trên tinh thần tập trung dữ liệu tại Trung ương. BHXH Việt Nam đang triển khai việc cấp thẻ an sinh xã hội điện tử nhằm hướng tới mục tiêu điện tử hóa toàn bộ quá trình phục vụ người dân.

BHXH Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ các ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, tăng cường cải cách TTHC nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH sẵn sàng chia sẻ các cơ sở dữ liệu của mình với các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, trong vấn đề này cần xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng, chặt chẽ nhằm đảm bảo việc chia sẻ đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo an toàn thông tin.

Thay mặt lãnh đạo Ngành, Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành các quy định cụ thể về giải pháp kỹ thuật và yêu cầu kết nối, làm “đầu mối” để kết nối 6 Bộ, ngành đang được giao xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định 714/QĐ-TTg và các đơn vị khác trong cung cấp và khai thác dữ liệu; Đồng thời, sớm xây dựng Trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối với các trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu của các Bộ, ngành, trong đó có BHXH Việt Nam nhằm đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu đúng kiến trúc của Chính phủ điện tử và nâng cao hiệu quả của cơ sở dữ liệu liên thông cấp Quốc gia.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đều đánh giá cao và bày tỏ sự ấn tượng với công tác ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của BHXH Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhận định, số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh từ dịch vụ công trực tuyến do BHXH Việt Nam cung cấp ở mức rất lớn, chỉ đứng sau Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Việc triển khai HTTT giám định BHYT tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng do từ chối thanh toán những hồ sơ y tế không hợp lệ là “bước đột phá khi chuyển từ phương pháp giám định thủ công sang phương pháp điện tử”.

Liên quan đến an toàn thông tin, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, BHXH Việt Nam đang sở hữu những HTTT quan trọng, phù hợp với những yêu cầu phân loại cấp độ HTTT theo quy định của Nghị định 85/2016/NĐ-CP nên cần triển khai làm sớm việc phân loại này. Đồng thời, một số CSDL về bảo hiểm, hộ gia đình của BHXH Việt Nam có liên quan đến các thông tin cá nhân nên BHXH Việt Nam cần lưu ý tuân thủ Luật An toàn thông tin mạng, trong đó có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao hoạt động ứng dụng CNTT của ngành BHXH, đặc biệt là trong 3 năm gần đây. CNTT đã được triển khai ứng dụng trong hầu hết các hoạt động của BHXH, từ xây dựng, ban hành kế hoạch, quy chế, quy định, nhân lực, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật vào công tác. Các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ BHXH, giám định bảo hiểm y tế đã được triển khai đồng bộ, thông suốt trong toàn ngành BHXH.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo, Cục Tin học hóa Bộ TT&TT cần khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng của BHXH báo cáo đầy đủ, sớm nhất các công việc cần làm để CSDL của BHXH Việt Nam có thể chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, đồng thời cần giải quyết các vấn đề về kết nối liên thông, phát huy trục liên thông Bộ TT&TT đã xây dựng để phục vụ công tác kết nối liên thông với các CSDL quốc gia.