Bình ổn giá đúng đối tượng, đúng thời điểm

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chương trình bình ổn giá được các địa phương triển khai trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán đã tạo hiệu ứng tốt do triển khai được nhiều điểm bán, cung ứng hàng hóa đa dạng. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để bình ổn giá thực sự đến được với những đối tượng cần thiết.

Bình ổn giá đúng đối tượng, đúng thời điểm
Đã đến lúc cần thay đổi chương trình bình ổn giá theo hướng chuyên đề và linh hoạt. Nguồn: internet
Chương trình bình ổn giá do các địa phương triển khai đến nay đã được gần 10 năm. Chương trình này được thực hiện theo phương thức, địa phương cho doanh nghiệp vay tiền với lãi suất thấp, 0 - 3%, doanh nghiệp sử dụng vốn ưu đãi đó để mua hàng hóa cung ứng ra thị trường với mức giá phải thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm 10 - 15%.

Thời gian đầu, hầu hết các doanh nghiệp đều làm được điều đó, và chương trình bình ổn giá đã phát huy được tác dụng bình ổn thực sự, đặc biệt là khi giá cả có những biến động bất thường. Tuy vậy, sau gần 10 năm, khi thị trường có nhiều biến đổi thì chương trình này đã bộc lộ những hạn chế đáng kể, dẫn tới một thực tế là giá một số loại hàng hóa nông sản tại các siêu thị tham gia bình ổn giá còn cao hơn cả giá thị trường. Ví dụ trứng gà ta ở chợ chỉ 3.000 đồng/quả, nhưng ở các siêu thị tham gia bình ổn giá lên tới 4.400 đồng/quả; giá rau cũng cao hơn giá bán lẻ ngoài chợ khoảng 10%.

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thực tế này như chi phí kinh doanh của siêu thị cao, hàng hóa nông sản lại chậm luân chuyển nên không theo kịp diễn biến thị trường, hay nhà cung cấp (chủ yếu là người nông dân) chưa tuân thủ đúng hợp đồng… Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là phương thức thực hiện đã không còn phù hợp với thực tiễn. Điểm yếu được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra là chương trình bình ổn giá đã được triển khai một cách dàn trải. Ở nhiều địa phương, vốn của chương trình này được rải ra cho rất nhiều loại hàng hóa như thịt, cá, trứng, rau, dầu ăn, gạo… dẫn tới nguồn vốn dành cho chương trình này đã ít lại còn bị san sẻ nên không thể có tác dụng chi phối thị trường.

Thử làm một phép tính đơn giản, mỗi năm, Hà Nội dành ra khoảng 300 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá, trong khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thành phố là 5.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu san sẻ ra cho hàng chục doanh nghiệp với hàng chục mặt hàng khác nhau thì số tiền cho mỗi ngành hàng chẳng khác nào muối bỏ bể. Bởi vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần thay đổi chương trình bình ổn giá, theo hướng chuyên đề và linh hoạt. Tiến hành rà soát lại các mặt hàng được lựa chọn để bình ổn, tránh dàn trải và không phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, chương trình bình ổn giá cũng cần hướng đến những đối tượng cụ thể như công nhân trong các khu công nghiệp, nông dân, người lao động nghèo, sinh viên…

Để hàng bình ổn giá đến được đúng đối tượng thì bản thân các doanh nghiệp tham gia chương trình này phải rất chủ động và linh hoạt. Vì vậy, tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tổ chức khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động để đưa hàng hóa phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá không cần vay vốn của Nhà nước.

Tại các điểm bán hàng bình ổn, thay vì chỉ khuôn vào hàng tiêu dùng thiết yếu như bánh kẹo, thực phẩm, quần áo... thì năm nay doanh nghiệp cũng kết hợp điểm bán sữa, dược phẩm, đồ dùng học sinh trong các cửa hàng, siêu thị. Do đó, chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh được nhân dân đánh giá cao, trở thành bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các địa phương không nên làm rập khuôn mà phải căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn cách tiến hành phù hợp. Đối với những địa phương mà thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả hàng hóa ít biến động hoặc các cơ quan chức năng có thể kiểm soát tốt thì nên mạnh dạn loại bỏ chương trình bình ổn giá để tránh phân tán nguồn vốn, như cách mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác đã làm trong 2 năm nay.