Bình Thuận gọi vốn cho 4 dự án du lịch trọng điểm

Theo Baodautu.vn

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, 4 dự án du lịch tiềm năng nhất của tỉnh đã được chọn để quảng bá trong dịp Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” sẽ diễn ra tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận) từ ngày 11 – 12 tháng 9/2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, Bình Thuận đang đặt kế hoạch đưa 4 dự án trọng điểm này vào khai thác trong giai đoạn 2015-2020. “Chúng tôi cam kết sẽ dành chính sách ưu đãi tốt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có năng lực tham gia 4 dự án này, để góp phần đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia như định hướng”, ông Phương nói.

Cụ thể, Dự án Khu du lịch Suối khoáng nóng Tà Cú - Bưng Thị quy mô diện tích 310 ha, có tổng mức đầu tư dự kiến 50 triệu USD. Dự án được kỳ vọng trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng và chữa bệnh quy mô tại Bình Thuận nhờ nguồn suối nóng đặc thù.

Khu du lịch này nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết 30 km về phía Nam. Lợi thế của Dự án là nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, phần lớn đất trong khu vực đến nay vẫn còn hoang sơ, thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây là yếu tố quan trọng quyết định tiến độ xây dựng của Dự án sau khi các thủ tục đầu tư được hoàn tất.

Khu tổ hợp du lịch, thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né và Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né là hai dự án được đánh giá có sức hấp dẫn lớn, sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Hai dự án này đều thuộc tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, nằm ngay trong khu vực được mệnh danh “thủ đô resort của Việt Nam”. Trong đó, Dự án Khu tổ hợp du lịch, thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né có diện tích 198 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Dự án này được thiết kế theo mô hình tổ hợp bao gồm trung tâm hội nghị quốc tế, khu vui chơi, quảng trường biển, hoạt động giải trí trên biển, phố ẩm thực, hội chợ đêm…

Dự án Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né quy mô 85,7 ha được định hướng đầu tư xây dựng, kinh doanh resort đẳng cấp với tổng vốn dự kiến khoảng 92 triệu USD.

Dự án thứ 4 trong danh sách ưu tiên kêu gọi đầu tư lần này của Bỉnh Thuận là Dự án Khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi, nằm ở phía Tây huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là dự án đặc biệt, được đánh giá sở hữu thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu hài hòa, nhiệt độ trung bình khá lý tưởng khoảng 21,3 độ C.

Dự án Khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi có cấu trúc đa dạng, phân bố trên 3 nền địa hình đặc trưng vùng núi, vùng đồi và đồng bằng. Dự án được quy hoạch với diện tích 330 ha, với các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hồ - núi - thác và các tour khám phá thú vị “lên rừng, xuống biển” ở Bình Thuận. Bên cạnh đó, dự án này có thể kết hợp đầu tư để phát huy các làng nghề truyền thống đồng bào dân tộc bản địa. Tổng vốn dự kiến để hình thành điểm du lịch vào khoảng 42 triệu USD.

Ông Phương cũng thừa nhận, việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn không dễ dàng, do những tác động từ tình hình kinh tế chung vẫn còn khó khăn. Nhưng, du lịch tỉnh Bình Thuận vẫn đang có bước chuyển tích cực, nhất là việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá du lịch và thu hút du khách... Hằng năm, du lịch Bình Thuận đón trên 3,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 410 ngàn lượt, doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng.

“Quy mô ngành du lịch tỉnh tăng trưởng khá qua từng năm và tỉnh còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư tính toán khi lựa chọn đổ vốn vào các dự án đầu tư”, ông Phương nói.