Bloomberg: Việt Nam lâm vào thế khó vì thành công của chính mình trong chiến tranh thương mại

Theo Kiên Dương, Song Ngọc/vietnambiz.vn

Theo nhận định của Bloomberg, Việt Nam là nước hưởng lợi rất lớn từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng giờ đây nước ta lại đang có nguy cơ lâm vào thế khó vì chính những lợi ích này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Peter Chang là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhà đất Shun Far (Shun Far Land Development) – doanh nghiệp quản lí Khu công nghiệp Thuận Thành II, cách Hà Nội khoảng 45 phút đi ô tô. 

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Chang trở nên vô cùng bận rộn.

Trong ba tháng qua đã có 60 nhà sản xuất linh kiện cho Foxconn Technology (Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc) tìm đến Khu công nghiệp của ông Chang.

Các doanh nghiệp này muốn tìm cách tránh thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc. Trao đổi vớBloomberg, ông chang nói: "Những nhà sản xuất này muốn đến Việt Nam, luôn và ngay. Đội ngũ công nhân xây dựng của chúng tôi đã sẵn sàng".

Ông Chang đang gấp rút thỏa thuận với các chủ đất xung quanh khu công nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang xây nhà xưởng và tận dụng làn sóng di cư của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vị Phó Tổng Giám đốc này cũng hiểu rằng tình hình hiện nay sẽ không kéo dài.

Công nhân của Khu Công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương về nhà sau một ngày làm việc. Ảnh: Bloomberg.
Công nhân của Khu Công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương về nhà sau một ngày làm việc. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang xếp hàng dài đợi đến lượt vào các khu công nghiệp của Việt Nam, chính quyền Tổng thống Trump đã đôi lần tỏ ý không hài lòng, đề nghị Việt Nam hạn chế thặng dư thương mại với Mỹ.

Theo Bloomberg, Việt Nam đang bị mắc kẹt giữa những xung lực đối lập từ cuộc chiến thương mại: Một mặt, Việt Nam được hưởng lợi từ sự bế tắc trong quan hệ Mỹ - Trung, mặt khác nước ta lại có nguy cơ bị Mỹ áp thuế quan vì thặng dư thương mại lớn.

Năm ngoái, xuất khẩu sang Mỹ tương đương 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam; trong nửa đầu năm nay, con số này là gần 26%.

Trong quí I/2019, Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng hơn 40%. Nguồn: Bloomberg.
Trong quí I/2019, Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng hơn 40%. Nguồn: Bloomberg.

Bloomberg đánh giá Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và tương đối rẻ, hệ thống chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thân thiện và do vậy trở thành một lựa chọn thay thế hợp lí khi các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc.

Intel và Samsung đã sớm nhận ra những tiềm năng nói trên. Hiện nay, hai tập đoàn này đang thuê tổng cộng hơn 182.000 lao động Việt Nam tại nhiều nhà máy sản xuất con chip và điện thoại thông minh.

Các nhà sản xuất giày dép, máy chơi game và nhiều mặt hàng khác cũng đang tìm cách chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam cấp giấy phép đầu tư cho hơn 1.720 dự án, tăng 26% so với cùng kì năm ngoái. Tăng trưởng GDP 2019 dự kiến đạt 6,8% - nằm trong top cao nhất thế giới.

Tuy nhiên nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khiến Việt Nam dễ bị tổn thương bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Hôm 1/8, Tổng thống Donald Trump công bố dự định áp thuế quan 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 tới đây.

Bloomberg dẫn số liệu của Cục thống kê Dân số Mỹ cho biết thặng dư thương mại hàng năm của Việt Nam với Mỹ tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt gần 40 tỉ USD trong năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm nay, con số thặng dư này đạt 25,3 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kì năm ngoái.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt xấp xỉ 40 tỉ USD trong năm 2018. Nguồn: Bloomberg/Cục thống kê dân số Mỹ.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt xấp xỉ 40 tỉ USD trong năm 2018. Nguồn: Bloomberg/Cục thống kê dân số Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng sở dĩ chênh lệch thương mại Việt – Mỹ tăng lên trong năm nay là do một số công ty đã chuyển hàng "Made-in-China" qua Việt Nam rồi dán nhãn khác để tránh thuế.

Đầu tháng 7, Mỹ áp thuế suất hơn 400% lên sản phẩm thép Việt Nam có xuất xứ từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Trước đó vào tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi các quốc gia có khả năng thao túng tiền tệ.

Trong một báo cáo gửi Thượng viện ngày 29/7, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer nói rõ: "Việt Nam cần thực hiện các biện pháp để giảm sự mất cân đối thương mại không bền vững hiện nay".

Ông Sian Fenner – chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics cho rằng nguy cơ Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa Việt Nam là có thật, đặc biệt là đối với sản phẩm may mặc, máy tính và hải sản.

Nhà máy tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương). Ảnh: Bloomberg.
Nhà máy tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương). Ảnh: Bloomberg.

Theo Bloomberg, những thông điệp cứng rắn của Mỹ đã khiến cho một số doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược chuyển sản xuất tới Việt Nam.

Chẳng hạn Eclat Textile Co. (công ty Đài Loan sản xuất đồ thể thao cho Nike và Lululemon Athletica) cho biết doanh nghiệp này phải chuyển sản xuất đi khỏi Việt Nam để đề phòng trường hợp chính quốc gia Đông Nam Á này bị ông Trump đánh thuế.

Về phần mình, Việt Nam cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, từ đặt mua máy bay Boeing đến các sản phẩm năng lượng như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm mất cân đối thương mại.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các bộ ngành kiểm soát chặt tình trạng hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam để tránh thuế của Mỹ.

Trong một thông cáo qua email, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà cho biết Việt Nam sẵn sàng thường xuyên tham vấn với Mỹ để "kịp thời giải quyết bất cứ vấn đề gì phát sinh".

Trong hai thập kỉ qua, Việt Nam cũng nỗ lực đa dạng hóa đối tác thông qua việc kí kết hàng chục hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là thỏa thuận với Liên minh Châu Âu.

Trong khi đó, các khu công nghiệp vẫn đang bị bao vây bởi những doanh nghiệp muốn tránh thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc. Tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương), các bức tường nhà máy mọc lên trên những khu đất trước đây là rừng cao su. 

Dãy nhà ở cho công nhân và một bệnh viện cũng đang được hoàn thiện. Gần đó còn có một nhà hàng Đài Loan. Một trong các nhà quản lí khu công nghiệp này phải tiếp 18 đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến làm việc trong một tuần, cao gấp ba lần mức thông thường.

Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) đón nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Ảnh: Bloomberg.
Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) đón nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Ảnh: Bloomberg.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc là doanh nghiệp quản lí nhiều khu công nghiệp trên cả nước. Trao đổi với Bloomberg, Phó Tổng Giám đốc Phan Anh Dũng cho biết từ đầu năm đến nay một khu công nghiệp của Tổng Công ty ở miền Bắc đã tiếp 90 doanh nghiệp nước ngoài tới tìm hiểu đầu tư.

GoerTek (doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất linh kiện cho Apple) đã bắt đầu xây dựng thêm nhà máy tại một khu công nghiệp của Kinh Bắc. "Tôi chưa chứng kiến tình trạng này bao giờ", ông Dũng nói.