Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

(Theo Chinhphu.vn )

Một số đại lý, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (xangdaubrvt@...) kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một số quy định hiện hành về kinh doanh bán lẻ xăng dầu để tạo thuận lợi hơn cho các đại lý, doanh nghiệp (DN).

Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Nội dung một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất
, các đại lý, DN đề nghị cho phép được quyền ngưng bán tạm thời nếu bị thua lỗ. Trường hợp vẫn bắt buộc kinh doanh bình thường thì cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ khi đại lý, DN chứng minh được lỗ thực tế.

Thứ hai, đại lý, DN bán lẻ được quyền ký hợp đồng mua xăng dầu từ tất cả các tổng đại lý đầu mối theo hướng cạnh tranh thị trường.

Thứ ba, nâng mức chiết khấu cho các đại lý để bù đắp đủ các chi phí hoạt động và đảm bảo lợi tức hợp lý trên vốn hàng hóa.

Bộ Công Thương trả lời các kiến nghị trên:

Xây dựng mức thù lao tối đa và tối thiểu

Xăng dầu là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện. DN nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của Nghị định số  84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì được kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình kinh doanh, DN kinh doanh xăng dầu luôn phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 5 Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14/12/2009 của Bộ Công Thương, đại lý bán lẻ phải “bảo đảm cung ứng liên tục xăng dầu ra thị trường...”.

Thực tế, kinh doanh xăng dầu thời gian qua, với mục đích ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, có giai đoạn giá xăng dầu bán lẻ trong nước được giữ ổn định trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, do vậy có lúc hoa hồng đại lý xuống thấp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Trước tình hình đó, để tháo gỡ khó khăn và ổn định thị trường bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương đã có ý kiến với Bộ Tài chính về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, trong đó có quy định về hoa hồng, thù lao đại lý.

Bên cạnh việc Dự thảo quy định mức thù lao tối đa không quá 50% mức chi phí kinh doanh định mức, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu quy định thêm mức thù lao tối thiểu (có thể là 30% mức chi phí kinh doanh định mức, giao xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu).

Xác định rõ trách nhiệm của DN về chất lượng xăng dầu

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, vì vậy việc đáp ứng nhu cầu sử dụng thường xuyên, liên tục cho nền kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là điều vô cùng quan trọng.

Nhằm mục đích ổn định hệ thống phân phối xăng dầu từ DN đầu mối tới đại lý bán lẻ đáp ứng nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế mọi lúc mọi nơi, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đã quy định “tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối ” và “đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân đầu mối” (Khoản 1 và Khoản 2 Điều 17 Nghị định này). Quy định này đồng thời nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng DN về chất lượng xăng dầu bán ra trên thị trường...

Đại lý bán lẻ được quyền lựa chọn ký hợp đồng đại lý với bên giao đại lý nào đưa ra các điều kiện thương mại tốt nhất, cạnh tranh nhất, thù lao cao nhất... Tuy nhiên, các đại lý chỉ được ký hợp đồng đại lý với một thương nhân là bên giao đại lý (theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP nêu trên) với thời hạn hợp đồng đại lý tối thiểu 12 tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14/12/2009 của Bộ Công Thương. Hết thời hạn hợp đồng, đại lý bán lẻ được quyền thanh lý hợp đồng đại lý và ký hợp đồng với bên giao đại lý khác có điều kiện thương mại tốt hơn.