Bồ Đào Nha coi Việt Nam là thị trường trọng điểm

Phan Long (Báo Đầu tư)

Đại sứ toàn quyền Bồ Đào Nha đương nhiệm Việt Nam, ngài Jorge Torres-Pereira khẳng định như vậy khi nói về việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam.

Bồ Đào Nha coi Việt Nam là thị trường trọng điểm
Ngài Jorge Torres-Pereira, Đại sứ toàn quyền Bồ Đào Nha đương nhiệm Việt Nam

Là một trong những nước châu Âu đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ cách đây 500 năm, nhưng đến nay, sự hiện diện của hàng hóa và các nhà đầu tư Bồ Đào Nha tại Việt Nam rất mờ nhạt. Có phải do chính sách đối ngoại của Bồ Đào Nha hay còn những cản trở nào khác, thưa ngài?

Thực tế, với tất cả những nước trong khu vực, chúng tôi đều có mối quan hệ hơn 500 năm và từng có một thời kỳ quan hệ vàng son trong việc trao đổi thương mại. Tuy nhiên, thời gian sau đó bắt đầu giảm sút vì tất cả các nước châu Âu khác đều có mối quan hệ thương mại với khu vực này cũng như Việt Nam. Đặc biệt với Bồ Đào Nha, mọi quan hệ thương mại với Việt Nam đều đi qua Macao, trong khi Macao cũng có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Vì vậy, có một thời gian dài quan hệ thương mại giữa hai nước đi xuống. Một nguyên nhân khác, đó là về mặt chính trị, chúng tôi mất một thời gian dài để phi thực dân hóa, sau đó mới có thể tập trung vào quá trình trao đổi ngoại giao, chính trị và kinh tế khi đã đạt được những điều kiện thuận lợi nhất.

Vậy nguyên nhân nào khiến Bồ Đào Nha chưa có Đại sứ quán tại Việt Nam, cũng như việc sử dụng ngài là một đại sứ đương nhiệm, phụ trách cả Việt Nam và Thái Lan thay vì chỉ riêng Việt Nam?

Bồ Đào Nha đang gặp khó khăn, vì vậy chúng tôi phải làm từ từ do nguồn lực bị hạn chế. Tuy nhiên, chúng luôn coi Việt Nam là thị trường trọng điểm tại khu vực Đông Nam Á. Thời gian sắp tới, ngay khi Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập Đại sứ quán, Hà Nội là một trong những nơi chúng tôi sẽ có mặt đầu tiên. Về việc kiêm nhiệm của tôi, dù làm việc tại Bangkok nhưng thực tế tôi vẫn thường xuyên bay về Việt Nam để điều hành. Tuy chưa có Đại sứ quán nhưng chúng tôi cũng đã mở hai Lãnh sự quán tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi hỗ trợ một cách tốt nhất tất cả những doanh nhân, doanh nghiệp của hai nước muốn làm ăn với nhau. Ngoài ra, tôi cũng nhận được thông tin từ đồng nghiệp trong khối châu Âu của mình để có thể thúc đẩy mối quan hệ hai nước tốt hơn.

Được biết, hai nước mới đây đã có các cuộc trao đổi đoàn doanh nghiệp. Đại sứ có thể cho biết kết quả của các cuộc trao đổi này?

Các doanh nghiệp Việt Nam và Bồ Đào Nha đều có những nhận định tích cực về thị trường của nhau và đã có một số doanh nghiệp đã tìm được đối tác sau chuyến khảo sát. Một năm trước, gần như hoàn toàn không có sự hiện diện nào của Bồ Đào Nha tại Việt Nam. Nhưng nay, chúng tôi đã có hai Lãnh sự quán và rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bồ Đào Nha đã xuất hiện tại Việt Nam. Các đoàn thương nghiệp cũng thường xuyên đến Lãnh sự quán để tìm hiểu thị trường. Chúng tôi cũng đang có chính sách cho phép các nhà đầu tư có đủ điều kiện được định cư lâu dài, nhập quốc tịch Bồ Đào Nha. Đây sẽ là cơ hội tốt để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đến Bồ Đào Nha. Rõ ràng, chúng tôi đang đi đúng hướng.

Xin Ngài cho biết những con số cụ thể về hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua?

Tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2011 đạt 100 triệu euro và có thể vượt qua con số này trong năm nay. Tôi muốn đề cập ra đây một số số liệu điển hình có thể cho thấy mối giao thương giữa hai nước đang trên đà tăng trưởng. Hiện tại, Việt Nam đã xuất sang Bồ rất nhiều sản phẩm.

Năm 2007, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 64 trong số các nhà cung cấp sản phẩm sang Bồ, nhưng đến 2011 đã vươn lên vị trí thứ 45. Hiện tại, vị trí này có thể chưa cao nhưng xu hướng đang rất tốt và tích cực và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sự đầu tư của ngài Tổng Lãnh sự danh dự Trần Kim Trung (Chủ tịch CT Group) cùng với tập đoàn của ông sẽ là sự đóng góp rất lớn về lâu dài của Việt Nam vào Bồ cũng như đưa các doanh nghiệp Việt Nam khác đến với Bồ Đào Nha. Năm 2011 doanh nghiệp Bồ đã xuất khẩu sang Việt Nam các loại hàng hóa với tỷ trọng như sau: cơ khí điện máy là 34%, các sản phẩm vải sợi 34%, sản phẩm nông nghiệp 10%, hóa chất 5%, kim loại 3,9%, bột gỗ và giấy 3%, khoáng sản 2,6%, các sản phẩm từ gỗ 2%, nhựa và cao su 1,2%...

Theo ngài, đâu sẽ là những lĩnh vực hợp tác chính giữa hai nước?

Tôi nghĩ rằng tiềm năng hợp tác có rất nhiều, chúng ta không thể chỉ đặt nặng trọng tâm vào một mảng kinh tế. Tuy nhiên, có những lĩnh vực mà Bồ Đào Nha rất mạnh, là: nông nghiệp, rượu, cơ khí. Chúng tôi cũng đã có nhà máy về nhựa ở miền Nam Việt Nam và một sự tăng trưởng rất đáng kể trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin…Đó là những khía cạnh mà tôi nghĩ là hai nước có thể hợp tác tốt.