Bốn hướng tái cấu trúc nền kinh tế

Theo NLĐ

Trong lúc đà tăng giá vẫn chưa được “ghìm cương” và một số khoản tiền kích cầu có dấu hiệu bị sử dụng sai địa chỉ, sức mạnh để VN vượt qua bão suy thoái chính là tái cấu trúc nền kinh tế để tạo sức mạnh căn cơ, bền vững

Có người cho rằng khủng hoảng kinh tế thế giới không tác động trực tiếp đến nền kinh tế đang tăng tốc - có thể bị chậm lại - của nước ta vì VN chưa hội nhập sâu vào thị trường vốn quốc tế. Tuy nhiên, thống kê trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều giảm mạnh. Vốn đầu tư FDI sa sút, chỉ bằng 70% cùng kỳ năm ngoái, kiều hối sụt giảm, chỉ số sản xuất nông - công nghiệp đều không khá hơn so với cùng kỳ, thị trường chứng khoán luôn chao đảo, thị trường nhà đất vẫn còn đóng băng. Giá các mặt hàng thiết yếu vẫn còn tiếp tục tăng 23% tính từ đầu năm.

 

Trong bối cảnh đó, giá xăng dầu, giá điện lại cứ chực tăng, giá dịch vụ cơ bản trong đời sống, giáo dục, y tế... cũng “té nước theo mưa” mà tăng lên... Nếu như vậy, không khéo hàng chục ngàn tỉ đồng kích cầu sẽ kích cung cho những “đại gia” cần vốn để đảo nợ hay tranh thủ vay ngân hàng với lãi suất hỗ trợ để đầu tư vào các kênh khác, mang lại lợi nhuận nhanh hơn, nhiều hơn. Thế nên, lúc này đây, cấu trúc lại nền kinh tế là nhu cầu cấp thiết.


Cơ cấu phát triển kinh tế lấy doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế quốc doanh làm chủ đạo tỏ ra kém hiệu quả. Mặc dù được bảo đảm và ưu tiên về vốn, tín dụng, ưu đãi về thuế, thủ tục nhưng mức đóng góp của các “ông lớn” này vào GDP thấp (ngoại trừ dầu khí), trở thành mối đe dọa mãn tính ngăn cản phát triển, nếu không nói đây là những nơi tạo nợ mới cho ngân sách Nhà nước.
 
Theo TS Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), “mô hình tăng trưởng dựa vào các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quy mô lớn, có vị thế độc quyền trên thị trường trong nước không những tỏ ra thiếu sức chống đỡ đối với khủng hoảng đến từ bên ngoài, mà trong một chừng mực nào đó, còn là nguyên nhân gây ra sự yếu kém bên trong của nền kinh tế.
 
Nếu không có một lượng tín dụng lớn nhưng kém hiệu quả đổ ào ạt vào các DNNN, nếu các DNNN không đầu tư tràn lan ra các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như chứng khoán và bất động sản, nếu như hoạt động của các DNNN hiệu quả hơn nhờ kỷ luật của Nhà nước (thông qua việc điều tiết) và kỷ luật của thị trường (thông qua sự cạnh tranh) thì nền kinh tế của VN đã được chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với khủng hoảng từ bên ngoài. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nhỏ với lực lượng lao động lớn lại đóng góp vào nền kinh tế quốc dân cao hơn, mặc dù thiếu những chính sách hỗ trợ ở tầm vĩ mô.


Vì vậy, điều thứ nhất nên làm là tách rời “nghĩa vụ xã hội” với lợi nhuận kinh doanh của các tập đoàn này, áp dụng bình đẳng về mọi mặt trên hiệu quả kinh doanh ngang với các công ty tư nhân là rất cần thiết và đây cũng là biện pháp chống quan liêu, tham nhũng.


Hai là, cần rà soát lại cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, bởi các ngân hàng này được thành lập ngày càng nhiều, một số hoạt động chưa theo quy củ như hiện nay có thể dẫn đến những phi vụ tước đoạt, chèn ép hay khủng hoảng tín dụng. Nói cách khác, một số ngân hàng loại này là những tay buôn tiền, cho vay nặng lãi công khai trong xã hội, lũng đoạn thị trường tài chính, thể hiện qua việc mới đây, một số ngân hàng đã lợi dụng giá vàng nhảy múa trên thị trường thế giới để lập sàn giao dịch vàng “ảo”, giật giá gây thua lỗ cho người tham gia.

 

Ba là, cần tăng cường khả năng dự báo và cải thiện hệ thống thống kê của nền kinh tế. Không thể có những tiên liệu đúng nếu thiếu thông tin chính xác. Hiện các nhà phân tích thường phải dựa vào số liệu của những cơ quan nước ngoài như IMF, WB, ADB hay tổ chức nghiên cứu độc lập với dữ liệu chưa đầy đủ.


Cuối cùng là câu chuyện cải cách hành chính. Phải minh bạch hóa sổ sách chi tiêu của Nhà nước, tiết kiệm để bớt thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm những công trình chưa thật cần thiết, giảm bớt lễ hội, dồn sức vào những công trình xây dựng cơ sở của nền kinh tế như cầu đường, bến cảng, chỉnh trang đô thị xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất... và cải thiện môi trường đầu tư.

 

Mặt khác, phải tính đến khả năng lạm phát quay trở lại khi thị trường tiền tệ mất cân đối giữa cung - cầu, cảnh giác trước động thái tỉ giá hối đoái giữa tiền VNĐ/USD tăng vọt khi các khoản tiền kích cầu tung ra ngày càng lớn, đẩy khỏi mức khống chế ±5% của Ngân hàng Nhà nước.