BREXIT và áp lực đối với kinh tế Việt

Theo tapchithue.com.vn

Đúng như lo ngại của giới đầu tư - tài chính toàn cầu, kết quả trưng cầu dân ý ngày 23/6 cho thấy, đa số cử tri Anh ủng hộ rời Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, tỷ lệ cử tri ủng hộ Brexit (viết tắt của từ Britain và exit) chiếm 52%, trong khi số cử tri ủng hộ ở lại chiếm 48%. Theo nhận định của các chuyên gia, việc cử tri Anh lựa chọn Brexit không những ảnh hưởng đến kinh tế - chính trị nội khối EU, mà còn tác động đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sở dĩ Brexit là sự kiện quan trọng với kinh tế thế giới, bởi nhiều yếu tố. Trước hết là nước Anh có GDP bình quân đầu người theo tỷ giá hối đoái đạt 45 nghìn USD, đứng thứ 14 thế giới; theo tỷ giá sức mua tương đương đạt khoảng 40 nghìn USD, đứng 8. Tỷ trọng kinh tế thực thấp (20,9%, trong đó nông, lâm nghiệp- thủy sản chỉ có 0,7%); tỷ trọng dịch vụ cao (79,1%); tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng/GDP khá cao (84,8%), tỷ trọng tích lũy không cao (17%). Tổng dự trữ quốc tế đạt 92,4 tỷ USD, trong khi xuất/nhập khẩu có quy mô lớn (xuất khẩu trên 800 tỷ USD, nhập khẩu trên 850 tỷ USD).

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Anh và các nước còn lại của EU và thế giới về nhiều mặt kinh tế- xã hội đã có quy mô và nền tảng lâu đời. Vì vậy, trước tư tưởng Brexit, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã cảnh báo, cho dù vượt qua được khủng hoảng trong trường hợp Anh rời khỏi EU, nhưng cái giá phải trả sẽ rất đắt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo triển vọng “tồi tệ” với kinh tế Anh khi đồng thời có thể cản trở tốc độ tăng trưởng và làm suy yếu các mối quan hệ ràng buộc trong khu vực Euro zone.

Đối với Việt Nam, Anh là đối tác lớn về đầu tư trực tiếp, thương mại và du lịch. Theo đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp từ vương quốc Anh tính từ 1988 đến cuối tháng 5/2016 đứng thứ 15 trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đi cùng với vốn đầu tư là máy móc, thiết bị có kỹ thuật- công nghệ nguồn, có sức cạnh tranh cao. Về số vốn đầu tư, nếu kể cả các lãnh thổ phụ thuộc của Anh (như quần đảo Virgin) thì còn lớn gấp nhiều lần, có thể đạt trên dưới 30 tỷ USD, vượt lên đứng thứ 4 trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong quan hệ thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh có quy mô lớn: năm 2015 đạt 4,57 tỷ USD; 5 tháng đầu năm đạt trên 1,98 tỷ USD, tăng 16,7%, cao gấp gần 2,7 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (6,2%). Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Anh có kim ngạch lớn là điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy tính và sản phẩm điện tử… Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Anh có quy mô nhỏ hơn. Năm 2015 tuy tăng 13,4% so với 2014, nhưng quy mô chỉ có 734 triệu USD, nhỏ hơn nhiều kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, trong quan hệ buôn bán với Anh, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn (năm 2015 là 3915 triệu USD, 5 tháng 2016 là 1712 triệu USD, cao hơn mức 1438 triệu USD.

Anh cũng là quốc gia có lượng du khách đến Việt Nam đạt mức cao, gần như tăng liên tục trong nhiều năm. Năm 2015 đạt 212,8 nghìn lượt người, đứng thứ 10 trong các nước và vùng lãnh thổ, tăng 5,1%; 5 tháng đầu năm 2016 đạt 112,1 nghìn lượt người, tăng 24,4%, cao hơn tốc độ tăng chung (20%) của cả nước. Chi tiêu của khách Anh bình quân 1 ngày người không cao (năm 2013 đạt 88,4 USD), nhưng số ngày đến nhiều hơn; nếu tính bằng bình quân chung 1 lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì khách Anh đến Việt Nam đã chi tiêu xấp xỉ 200 triệu USD.

Khi nước Anh ra khỏi EU, kéo theo đồng Bảng sẽ giảm giá so với USD, khi đó xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn hơn, tốc độ tăng sẽ không còn cao như trước, trong khi nhập khẩu từ Anh sẽ tăng cao hơn, đồng thời lượng khách Anh đến Việt Nam sẽ không tăng như trước do chi tiêu bằng đồng Bảng sẽ đắt hơn. Đồng nghĩa, nền kinh tế sẽ không có lợi.