Bức tranh FDI những tháng đầu năm 2014: Điểm sáng xuất khẩu và giải ngân

Theo ven.vn

(Tài chính) Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố tình hình hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 7 tháng đầu năm 2014. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu và giải ngân là điểm sáng nhất trong bức tranh FDI từ đầu năm tới nay.

Bức tranh FDI những tháng đầu năm 2014: Điểm sáng xuất khẩu và giải ngân
Hoạt động xuất nhập khẩu và giải ngân là điểm sáng nhất trong bức tranh FDI từ đầu năm tới nay. Nguồn: internet

Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2014, hoạt động xuất - nhập khẩu của khu vực FDI tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 55,83 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ và chiếm 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu đạt 46,04 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ và chiếm 56% tổng kim ngạch nhập khẩu; tính chung 7 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 9,79 tỷ USD. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2013. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI ngày càng đi vào thực chất hơn.

Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 889 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,85 tỷ USD và 300 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,67 tỷ USD. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, Việt Nam đã thu hút được 9,53 tỷ USD vốn FDI, bằng 80,1% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 7/2014, Việt Nam thu hút được 2,68 tỷ USD vốn FDI.

Dự án Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD là dự FDI lớn nhất được cấp phép trong 7 tháng đầu năm.

Mặc dù kết quả thu hút FDI 7 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ gần 20%, nhưng riêng tháng 7 Việt Nam thu hút được 2,68 tỷ USD cho thấy tình hình thu hút FDI có dấu hiệu tích cực vào những tháng cuối năm. Nếu tốc độ này được duy trì vào những tháng tiếp theo thì khả năng thu hút khoảng 20 tỷ USD trong năm 2014 được Cục Đầu tư nước ngoài đặt ra là hoàn toàn có thể.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất trong 7 tháng đầu năm với 6,66 tỷ USD được đăng ký, chiếm 69,9% tổng vốn FDI đăng ký; lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với 547,58 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư.

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút được 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với 3,13 tỷ USD, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 32,8% tổng vốn; Hồng Kông đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,15 tỷ USD, chiếm 12,1%; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,11 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Trong 45 tỉnh, thành phố là “điểm đến” của FDI 7 tháng, dẫn đầu là tỉnh Bắc Ninh với 1,33 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư; TP.Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn 1,07 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư; Bình Dương đứng thứ 3 với 1,05 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 11% tổng vốn đầu tư.