Bức tranh kinh tế năm 2012

Năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 11/2011/QH13 của Quốc hội ngày 09/11/2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 với mục tiêu tổng quát “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…”, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được các kết quả đáng khích lệ.

Năm 2012, xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD. Điều này thể hiện sự khó khăn của khu vực sản xuất, đặc biệt là các DN trong nước.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn chịu tác động không thuận từ sự phục hồi tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, cùng với khó khăn, hạn chế mang tính cơ cấu tồn tại nhiều năm; tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận sau:

Về điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa

(1) Chính sách tiền tệ: Lãi suất cho vay đã giảm nhanh, với mức giảm từ 5-8%/năm so với cuối năm 2011 (phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ). Theo số liệu công bố tại buổi họp ngày 27/12/2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng chính sách năm 2013, tổng phương tiện thanh toán năm 2012 khá cao, tăng khoảng 20%; tín dụng ước tính cả năm tăng khoảng 7%. Trước đó, tính đến 21/9/2012, tổng dư nợ tín dụng mới chỉ tăng khoảng 2,52% so với 31/12/2011. Như vậy là trong vòng 3 tháng qua (từ tháng 9 đến tháng 12) tổng dư nợ tín dụng đã tăng khá nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2012, NHNN đã hút ròng hơn 60.500 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO). Trong quý III/2012, sau những sự cố trong hoạt động của Ngân hàng Á Châu, NHNN đã phải bơm ròng 43,5 nghìn tỷ đồng trên OMO nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tín dụng. Từ đầu tháng 11/2012 trở lại đây, NHNN đã tăng mạnh lượng tín phiếu bán cho các tổ chức tín dụng trên OMO để hút tiền với lãi suất thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động. Điều này cho thấy thanh khoản của nhiều tổ chức tín dụng đang dư thừa.

Về hoạt động quản lý thị trường vàng, năm 2012 đánh dấu một sự thay đổi lớn về chính sách với sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ngày 3/4/2012 để thay thế cho Nghị định số 174/1999/ NĐ-CP. Nghị định 24 giao cho NHNN cấp phép đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; tổ chức sản xuất vàng miếng; tổ chức xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Trước đó, NHNN đã quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), yêu cầu các TCTD không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng chấm dứt vào ngày 25/11/2012. Để thực hiện quy định này, các TCTD đã mua vào một khối lượng lớn vàng miếng, khiến giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch lớn, khoảng 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, NHNN chủ trương không sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng nhằm thực hiện bình ổn giá vàng, và trên thực tế, hiện tượng “sốt vàng” đã không xảy ra, tỷ giá ngoại tệ và thị trường ngoại tệ ổn định.

Việc thực hiện chính sách mới (Nghị định 24) đồng thời với quá trình chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD, không cho phép sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán nhằm xử lý vấn đề “vàng hóa” của nền kinh tế là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, do vấn đề quản lý thị trường vàng còn khá mới mẻ ở Việt Nam, công tác thông tin truyền thông chưa được thực hiện tốt nên nảy sinh nhiều dư luận trái chiều.

(2) Về chính sách tài khóa: Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 hoàn thành dựtoán là một nỗ lực lớn. So với nhiều năm trước đây, thu nội địa năm 2012 ởnhiều địa phương, do tác động khó khăn của kinh tế vĩ mô đã không đạt dự toán.

Bên cạnh việc hỗ trợ tiền thuế cho DN lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nguồn thu nội địa, thu cân đối xuất nhập khẩu giảm mạnh (tổng sốgiảm 25.500 tỷđồng) trong đó giảm thu nội địa chiếm gần 50% (khoảng 17.600 tỷ đồng), chủyếu giảm các khoản thu từsản xuất, kinh doanh. Điều này phản ánh đúng thực trạng khó khăn và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tếtrong năm 2012. Tuy nhiên, nguồn thu từdầu thô tăng, chủyếu do giádầu tăng cao vàsản lượng vượt dựtoán đã giúp bù đắp các khoản thiếu hụt.

Tổng chi NSNN năm 2012 ước đạt trên 900.000 tỷ đồng. Bội chi NSNN vẫn giữ ở mức Quốc hội quyết định là 4,8% GDP.

Những vấn đề đặt ra trong năm 2012

(1) Hàng tồn kho cao: Hàng tồn kho của nền kinh tế cao (trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, ngành kinh tế dịch vụ). Chỉ số hàng tồn kho cao tập trung ở khu vực DN ngoài nhà nước, DN nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí cả DN ở những địa bàn lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương... Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tại thời điểm 01/9/2012 tăng 20,4% so với cùng thời điểm năm trước nhưng đã có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 50,6%; sản xuất xi măng tăng 50,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 40,6%...

“Bức tranh” kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013 - Ảnh 1

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là:

- Tổng cầu giảm mạnh khiến các DN quyết định thu hẹp sản xuất.

- Dù lãi suất đã giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn. Tăng trưởng tín dụng năm 2012 rất thấp. Điều này được lý giải bởi trong bối cảnh khó khăn, các ngân hàng có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng, trong khi các DN lại gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ cũ và tìm tài sản thế chấp.

- Một số ngành (thép, xi măng…) đầu tư không theo quy hoạch, dẫn đến thừa công suất.

(2) Nợ xấu ngân hàng tăng: Cùng với tình trạng hàng tồn kho cao là vấn đề nợ xấu nghiêm trọng ở các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản. Nợ xấu đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các DN. Các ngân hàng đã mở rộng đối tượng cho vay nhưng tín dụng đưa ra chưa nhiều. Vấn đề chính của DN hiện nay là giải quyết hàng tồn kho, trước khi tính đến vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Như vậy, để DN tiếp cận với các khoản vay mới, vấn đề không dừng lại ở hạ lãi suất hay khoanh nợ, mà còn phải có các giải pháp hỗ trợ, giải quyết hàng tồn kho cho DN.

(3) Về xuất, nhập khẩu: Tăng trưởng xuất khẩu đạt vượt mức kế hoạch đề ra (kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước tính đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18% so với 2011), nhưng chủ yếu dựa vào tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp của các DN FDI, trong khi đó xuất khẩu của khu vực DN trong nước đến tháng 9/2012 giảm 0,55% so cùng kỳ, đến tháng 11/2012 chỉ tăng 0,9% và cả năm ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3% (552 triệu USD).

Việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của DN trong nước giảm sút, trong khi đó, nhập khẩu của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Ước tính, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2012 đạt 114,34 tỷ USD, tăng 7,1% (7,59 tỷ USD) so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5% (11,5 tỷ USD); khu vực DN trong nước ước đạt 54 tỷ USD, giảm 7% (3,9 tỷ USD). Như vậy, xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD. Điều này thể hiện sự khó khăn của khu vực sản xuất, đặc biệt là các DN trong nước.

(4) Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã triển khai nhưng còn chậm: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XIII, tháng 5/2012, nhưng việc tái cấu trúc một số lĩnh vực của nền kinh tế đã được bắt đầu triển khai từ sớm.

Trong năm 2012, nhiều chính sách an sinh xã hội đã được triển khai mạnh mẽ. Nguồn NSNN chi cho an sinh xã hội tăng 20% so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tính đến cuối năm ước còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011.

Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ tái cấu trúc nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng đến nay việc cụ thể hóa mô hình tăng trưởng chưa được xác định rõ và công khai để làm định hướng cho các bộ, ngành và DN thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện. Hiện chưa có cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp chung và theo dõi tiến độ thực hiện Đề án tổng thể và các đề án thành phần.

(5) Các vấn đề khác: Diễn biến giá cả năm qua thể hiện những nỗ lực bình ổn vĩ mô từ năm 2011 đã phát huy tác dụng. Tốc độ tăng CPI cả năm thấp hơn mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, bên cạnh đó, CPI có thời điểm tăng tới trên 2% (tháng 9/2012). Điều này cho thấy sự phối hợp trong điều hành giá cả của một số ngành ở Trung ương và địa phương trong thời gian tới cần nhịp nhàng và chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, do khó khăn từ phía cộng đồng DN nên “bài toán” thất nghiệp trong năm 2012 chưa có lời giải hữu hiệu. Trong 10 tháng đầu năm, đãcóhơn 424.300 người đăng kýthất nghiệp, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2011; gần 370.900 lao động nộp hồsơ đềnghịhưởng bảo hiểm thất nghiệp; 354.250 người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, tăng khoảng 41% so với cùng kỳ năm 2011; Những địa phương có người hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội.

Tuy nhiên, một điểm sáng đáng khích lệ là tỷlệhộnghèo cảnước tính đến cuối năm 2012 ước còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011.

Triển vọng năm 2013

Mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu chính

Kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2013. Trong bối cảnh này, ngày 8/11/2012 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2013 với mục tiêu tổng quát: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.

Đồng thời, một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2013 cũng được Quốc hội và Chính phủ xác định như sau: GDP tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; Bội chi NSNN không quá 4,8% GDP; Tốc độ tăng CPI vào khoảng 8%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...

Một số vấn đề lớn cần tập trung xử lý

Thứ nhất, quyết liệt xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hết sức quan trọng, cần giải quyết một cách đồng bộ, cả xử lý nợ xấu, cả tổ chức mô hình hoạt động và giải quyết những ngân hàng yếu kém. Đồng thời, trong quá trình tái cơ cấu phải vừa bảo đảm thanh khoản, chính sách tín dụng, huy động, cho vay, điều hành lãi suất hợp lý, không làm lạm phát tăng cao trở lại.

Năm 2013 phải tạo ra được sự chuyển biến tích cực hơn phân loại nợ xấu, tìm biện pháp cụ thể đối với từng loại nợ xấu khác nhau, để đến năm 2015 giảm mức nợ xấu toàn hệ thống tín dụng xuống 3%.

Chính phủ và NHNN cần rà soát thực trạng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, làm rõ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Gắn tái cơ cấu các TCTD với việc xử lý các sự việc cố ý làm trái để thu lợi của một số tổ chức, cá nhân để từng bước đưa hoạt động tài chính tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ hai, nâng cao hơn nữa chất lượng phân bổ NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Đặt trong điều kiện dự toán phân bổ NSNN năm 2013 cho đầu tư XDCB giảm so với năm 2012, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương phải: Tăng cường quản lý chất lượng các công trình XDCB; Tăng cường quản lý chi đầu tư XDCB, vốn trái phiếu chính phủ, Chương trình Mục tiêu quốc gia; Tập trung vốn cho trả nợ XDCB và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013. Hạn chế khởi công mới các công trình, dự án, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ cho phép chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, đảm bảo an toàn, hiệu quả cán cân thu, chi NSNN. Tổng thu cân đối NSNN năm 2013 được Quốc hội phê duyệt khoảng 807.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với ước thực hiện năm 2012; Tổng chi NSNN năm 2013 là 969.000 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển là 180.000 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng chi NSNN. Bội chi NSNN dự kiến là 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.

Với những định hướng lớn trên, dù còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ có những cải thiện tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế dần ổn định và bền vững hơn, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 1-2013

“Bức tranh” kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013

TS. Nguyễn Đức Kiên

(Tài chính) Năm 2012, vượt qua nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của các chính sách kiềm chế lạm phát từ năm 2011 nên năm 2013, kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Xem thêm

Video nổi bật