Bức tranh kinh tế Việt Nam dưới con mắt các tổ chức quốc tế

Theo chinhphu.vn

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam nằm trong 6 nền kinh tế đang nổi đạt tăng trưởng cao, trong đó GDP đạt 6,2% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngoài WB, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 và 6,5% trong năm 2017 nhờ tăng thu hút đầu tư FDI, niềm tin của người tiêu dùng phục hồi, việc triển khai các FTA tạo môi trường kinh doanh minh bạch và cởi mở hơn.

Tuy vẫn đánh giá lạc quan triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam nhưng ngân hàng HSBC giảm dự báo tăng trưởng năm 2016 và 2017 xuống 6,3% và 6,6% (trước đó, dự báo 6,7% và 6,8%) do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, hạn mặn và xâm mặn.

ADB khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng vùng đệm kinh tế vĩ mô để bảo đảm nền kinh tế có sức chống chịu tốt hơn với cú sốc kinh tế trong tương lai, nhất là chú trọng tăng cường bền vững tài khóa, củng cố dự trữ ngoại hối, phòng ngừa nguy cơ tăng nợ xấu mới, đầu tư cải thiện năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả tích cực

HSBC đánh giá việc Chính phủ điều hành thận trọng, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô sẽ thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế bền vững hơn. WB nhận định khu vực tư nhân của Việt Nam đang tăng trưởng nhờ lực lượng lao động đông đảo, lương thực tế tăng, giá ổn định.

Một số tổ chức quốc tế (WB, ADB) đánh giá phát triển kinh tế tư nhân giúp thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đến nay tỉ trọng khu vực kinh tế nhà nước giảm còn 40%, nông nghiệp cũng giảm tỉ trọng còn 18% GDP. Tuy nhiên, WB cảnh báo cải cách cơ cấu diễn ra chậm, rủi ro sức ép tài khóa tăng lên có thể kìm hãm tăng trưởng. HSBC cho rằng các biện pháp nâng cao an toàn tín dụng có thể khiến hoạt động ngành xây dựng, bất động sản bước vào giai đoạn suy giảm mới.

Việt Nam đạt tăng trưởng xuất-nhập khẩu ấn tượng trong năm 2015

Theo WTO, Việt Nam đạt tăng trưởng xuất- nhập khẩu cao nhất trong số 20 nền kinh tế xuất- nhập khẩu hàng đầu của thế giới. Mặc dù gặp khó khăn do thương mại toàn cầu ảm đảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 7,9%, đạt mức 162 tỉ USD, nhập khẩu tăng 12,3%, đạt mức 166 tỉ USD trong năm 2015.

Một số ý kiến quốc tế đánh giá mục tiêu của Việt Nam về tăng xuất khẩu 10% trong năm 2016 là “khá tham vọng” nhưng có thể thực hiện được nếu tranh thủ tốt cơ hội từ tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), có chính sách phù hợp đẩy mạnh các mặt hàng chủ lực như điện tử, da giày, may mặc… do thị trường các mặt hàng này vẫn còn nhiều dư địa.

Niềm tin của doanh nghiệp FDI tiếp tục được củng cố

Kết quả khảo sát 1.584 doanh nghiệp FDI cho thấy Việt Nam hiện là một trong những điểm hấp dẫn đầu tư nhất khu vực Đông Nam Á. 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và 62% tuyển thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Khoảng 50% số doanh nghiệp FDI từng cân nhắc đầu tư vào nước khác trước khi chọn Việt Nam (chủ yếu là Trung Quốc với 27,9%, Thái Lan với 21,2% và Indonesia với 12,6%). Điểm mạnh của môi trường kinh doanh ở Việt Nam là mức thuế hợp lý, ít chịu rủi ro thu hồi tài sản…

Tuy nhiên, điểm hạn chế là chi phí không chính thức khá cao, các quy định pháp luật chồng chéo, chất lượng dịch vụ hành chính công và cơ sở hạ tầng chậm cải thiện.