Bùng nổ “cuộc chiến” cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam

Theo Ý Nhi/nhaquanly.vn

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thực phẩm và tạp hóa tại IGD, thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 37,4%, cao nhất tại châu Á.

Theo Unicons, tổng giá trị thị trường bán lẻ Việt năm 2016 đạt khoảng 110 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020. Ảnh: internet
Theo Unicons, tổng giá trị thị trường bán lẻ Việt năm 2016 đạt khoảng 110 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020. Ảnh: internet

Chưa có bao giờ, cuộc đua giành thị phần của các hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam lại trở nên khốc liệt đến như vậy. Chỉ trong một thời gian ngắn, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tràn ngập những của hàng tiện lợi 24 giờ.

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, trong giai đoạn 2012-2015, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện ích và siêu thị mini tại Việt Nam lên đến 200%, từ 1.000 cửa hàng vào năm 2012 tăng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2015.

Đánh vào nhu cầu mua sắm và sự tiện lợi

Theo kết quả khảo sát của công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt hiện nay đã chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Với nhịp sống nhanh như hiện nay, người tiêu dùng thường có xu hướng chọn những cửa hàng tiện lợi để mua sắm nhanh các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, hay thậm chí cả việc ăn uống. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các cửa hàng tiện lợi cũng mọc lên như nấm sau mưa ở nhiều thành phố trên cả nước.

Các cửa hàng tiện lợi này đều có chung đặc điểm là cơ sở vật chất tiện nghi, dịch vụ khách hàng tốt. Hình thức bán lẻ này được ưa chuộng nhờ một số ưu điểm như cung cấp đa dạng các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vị trí các cửa hàng đặt tại khu dân cư nhiều người sinh sống, thời gian mở cửa 24/24 đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Thị trường cửa hàng tiện lợi – “miếng bánh ngon” cho các nhà đầu tư

Bên cạnh những nhân tố đã hoạt động tại Việt Nam lâu năm như Family Mart (8 năm), Shop&Go (11 năm), Circle K (8 năm), Ministop (5 năm) thì những nhân tố mới nổi còn gây bất ngờ cho người tiêu dùng hơn. Điển hình là trường hợp của Vinmart+, dù mới gia nhập thị trường được khoảng gần 3 năm nhưng đã vươn lên trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam với gần 1.000 cửa hàng.

Để lôi kéo người tiêu dùng chuyển đổi thói quen mua sắm hiện đại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đều có “đặc sản” riêng cho mình. Trong khi Circle K hay B’S Mart sử dụng thực phẩm chế biến sẵn cùng không gian có máy lạnh, Wi-Fi để khách mua hàng ngồi ngay tại cửa hàng thưởng thức làm thế mạnh thì Vinmart+ lấy rau xanh, thịt sạch làm mũi nhọn nhờ kết hợp thực phẩm sạch vào mô hình cửa hàng tiện dụng, giúp đáp ứng nhu cầu của người mua không thua kém một siêu thị mini.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại còn đánh trực tiếp vào ưu điểm lớn nhất của tạp hóa truyền thống, đó là gần khách hàng. Bất kỳ khu dân cư nào tập trung nhiều khách hàng tiềm năng, chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ vươn tới, bất kể nằm trong ngõ hẻm hay mặt bằng có diện tích không lớn. Dường như các doanh nghiệp bán lẻ đã tìm ra công thức chiến thắng trong cuộc chiến với tạp hóa truyền thống, đó là gần khách hơn, tiện ích hơn để áp đảo.

Việc dễ tìm mặt bằng, chi phí mở cửa hàng tiện lợi rẻ hơn, dễ kiểm soát hàng hóa, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng so với siêu thị và siêu thị mini là những lý do chính mà các cửa hàng tiện lợi xuất hiện rầm rộ trong thời gian trở lại đây.

Và cuộc chơi hứa hẹn sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới với sự tham gia của gã khổng lồ bán lẻ 7-Eleven đến từ Nhật Bản.

7-Eleven thuộc sở hữu của Seven & I Holdings Group. Đây được xem là chuỗi cửa hàng tiện lợi “đáng sợ” nhất thế giới khi cứ 2 giờ trôi qua lại có một cửa hàng mọc lên ở đâu đó. Tính đến cuối năm 2016, thương hiệu này có mặt tại 17 quốc gia với 61.500 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, 7-Eleven đã xuất hiện tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia.

Theo thông tin từ tờ Nikkei của Nhật, 7-Eleven đã ký thỏa thuận nhượng quyền với Seven System Việt Nam vào giữa năm 2015. Mục tiêu của công ty là mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Ngày 15/6, 7-Eleven chính thức ra mắt cửa hàng đầu tiên của mình tại TP.HCM. Với danh tiếng có sẵn, không bất ngờ khi người TP.HCM xếp hàng dài để trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven.

Những dự báo sắp tới

Theo Unicons, tổng giá trị thị trường bán lẻ Việt năm 2016 đạt khoảng 110 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hiện là một trong 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới.

Thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 37,4%, cao nhất tại châu Á.
Thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 37,4%, cao nhất tại châu Á.

IGD đưa ra dự báo các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 chữ số trong 4 năm tới và đạt mức 37,4% vào năm 2021 – cao nhất trong số các quốc gia khác trong cuộc khảo sát.

Theo ông Nick Miles, trưởng đại diện IGD tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang chuyển dần từ thương mại truyền thống sang hiện đại. “Có vài nhân tố thúc đẩy điều này, đó là triển vọng kinh tế tích cực, GDP bình quân đầu người sẽ tăng đáng kể, cùng với đó chính sách thị trường ‘cởi trói’ cho vốn đầu tư nước ngoài và thói quen mua sắm thay đổi nhanh chóng”.

Miếng bánh ngon như vậy cũng là bài toán được đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam. SatraFood, CoopFood, HaproFood là những doanh nghiệp nội hiện đang thử nghiệm mô hình cửa hàng tiện lợi. Điểm chung của những thử nghiệm này là đẩy mạnh kinh doanh thực phẩm tiện lợi. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, doanh nghiệp nội vẫn chưa thể mở rộng để có thị phần đáng kể.

Thách thức lớn nhất cho những kẻ đến sau vào thời điểm này chính là sự bành trướng của hai cái tên lớn nhất: Vinmart+ và Circle K – 2 thương hiệu một nội một ngoại này dường như đang áp đảo phần còn lại của cuộc đấu.