Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

PV.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 23/2016/QH14 ngày 7/11/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2017 gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Theo Nghị quyết 23/2016/QH14, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội...

Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị phấn đấu dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

Các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện

Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:

Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách nhà nước…

Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4). Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp phụ trợ....

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tài chính và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm thực hiện đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Quan tâm bố trí vốn đầu tư công cho xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển; các dự án, công trình y tế, giáo dục, các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển…

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm cũng như các nhiệm vụ ưu tiên và chương trình hành động theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường....

Thứ năm, thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị quyết số 76/2013/QH13 và các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng huy động các nguồn lực phát triển nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng, nhà ở cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tăng cường quản lý đất đai… Phát triển thị trường lao động, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, thực hiện phân luồng giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Thứ sáu, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và các giải pháp tổng thể phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng. Triển khai hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ ổn định sản xuất, đời sống của Nhân dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng, chống, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ bảy, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch. Nâng cao năng lực, kỷ luật, đạo đức và thái độ thực thi pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực và cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. 

Thứ tám, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp. Xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Thứ chín, tiếp tục đưa quan hệ đối ngoại với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế; các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do đã ký.

Bên cạnh đó, các giải pháp khác mà Chính phủ các bộ, ngành cần thực hiện gồm: Nắm chắc diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; Tăng cường quản lý nhà nước về công tác báo chí, truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; Thực hiện Chính phủ điện tử, khai thác tốt trang thông tin điện tử của các cấp, ngành để cung cấp thông tin và thu thập ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp, làm căn cứ nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách và điều hành của bộ máy quản lý nhà nước các cấp.