Các Chương trình mục tiêu quốc gia: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra?

Thùy Lê

(Tài chính) Thực tế cho thấy, hiện nay có quá nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trùng mục tiêu cùng thực hiện trên một một địa bàn (Chương trình 30a, Chính sách 167; Chương trình nông thôn mới; Chương trình 5 triệu ha rừng; Chương trình 135; Chương trình MTQG về văn hóa; Chương trình dạy nghề lao động nông thôn; Chương trình MTQG về Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình hỗ trợ của Viettel...). Cơ chế lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình MTQG còn nhiều bất cập, các địa phương chưa chủ động thực hiện lồng ghép dẫn tới đầu tư dàn trải, phân tán, khó quản lý điều hành tập trung thống nhất…

Các Chương trình mục tiêu quốc gia: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra?
Trên thực tế, có quá nhiều Chương trình trùng mục tiêu cùng thực hiện trên một địa bàn. Nguồn: internet

Xóa đói giảm nghèo không chỉ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta mà còn là công việc của toàn xã hội nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền và giữa các dân tộc, các nhóm dân cư. Thành tựu xoá đói giảm nghèo trong những năm qua đã góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững và thực hiện công bằng xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Kết quả kiểm toán các Chương trình MTQG năm 2011 cho thấy về cơ bản việc đầu tư đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bước đầu góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống và bộ mặt nông thôn; thực hiện xóa đói giảm nghèo, hiện đại hóa nông thôn.

Kết quả kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ cho thấy, Chương trình bước đầu đã đem lại kết quả khá rõ rệt, đang dần phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo. Quá trình thực hiện Nghị quyết đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao.

Vì vậy, Chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân, từ cộng đồng xã hội cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, xã và huyện được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Việc hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập như khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; tăng cường cán bộ đối với các huyện nghèo đã tạo được những chuyển biến đáng kể đối với đời sống nhân dân tại các huyện nghèo.

Kết quả kiểm toán Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2009 - 2011 cho thấy, Chính sách được các tỉnh triển khai nhanh dựa trên các văn bản hướng dẫn kịp thời, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương. Qua 3 năm thực hiện, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, địa phương trong việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo nên đã thành công về nhiều mặt như: nhiều tỉnh đã hoàn thành sớm so với kế hoạch, tạo điều kiện ổn định chỗ ở cho các hộ nghèo để yên tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo; huy động được nhiều nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo được niềm tin trong nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kết quả giảm nghèo ở nhiều địa phương còn chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển vùng này, nhưng mức độ chuyển biến còn chậm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3,5 lần bình quân cả nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, nhưng chủ yếu là do các huyện này đều nằm ở vùng núi, địa hình chia cắt, diện tích tự nhiên rộng, nhưng diện tích đất canh tác ít; điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống; cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa kém; thu ngân sách trên địa bàn mỗi huyện thấp. Các nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, chưa hỗ trợ đúng mức cho phát triển sản xuất; đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu và thiếu cán bộ khoa học, kỹ thuật; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước ở một bộ phận cán bộ và dân cư còn nặng nên đã hạn chế phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên.

Theo kết luận của KTNN, thực tế có quá nhiều Chương trình trùng mục tiêu cùng thực hiện trên một địa bàn (Chương trình 30a, Chính sách 167; Chương trình nông thôn mới; Chương trình 5 triệu ha rừng; Chương trình 135; Chương trình MTQG về văn hóa; Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/QĐ-TTg; Chương trình dạy nghề lao động nông thôn; Chương trình MTQG về Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình hỗ trợ của Viettel...).

Cơ chế lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình MTQG còn nhiều bất cập, các địa phương chưa chủ động thực hiện lồng ghép dẫn tới đầu tư dàn trải, phân tán, khó quản lý điều hành tập trung thống nhất. Hệ thống văn bản, chính sách hướng dẫn thiếu đồng bộ, nội dung, tiêu chí lạc hậu, chưa bám sát thực tế; công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp thực hiện đối với một số chương trình còn hạn chế; công tác công khai dân chủ, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân chưa được chú trọng đúng mức.

Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả; kết quả thực hiện các mục tiêu của một số chương trình còn thấp (Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn năm 2011: Mục tiêu tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch và chỉ tiêu vệ sinh môi trường tại một số tỉnh được kiểm toán đạt thấp, một số chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt không được thực hiện do các công trình chậm được triển khai).

Một số chương trình còn tình trạng bố trí vốn không đúng nội dung, sai nguồn vốn (Hà Giang sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục để chi trả cho học sinh không đúng quy định.); không phân bổ hết nguồn vốn trong năm (một số chương trình MTQG của tỉnh Hải Dương; tỉnh Quảng Nam chưa phân bổ 22 tỷ đồng kinh phí Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu; Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn tại các tỉnh Lạng Sơn, Lâm Đồng...).

Việc bố trí vốn hoặc triển khai chậm dẫn đến tình trạng không sử dụng hết nguồn kinh phí, phải chuyển nguồn năm sau, cụ thể như: tại Bộ Y tế, một số nhiệm vụ chi không hoàn thành phải hủy dự toán 9,4 tỷ đồng, chuyển nguồn năm sau 244,3 tỷ đồng (Chương trình MTQG Y tế 30 tỷ đồng, chương trình MTQG Dân số và Kế hoạch hóa gia đình 189,7 tỷ đồng); tỉnh Điện Biên, chuyển nguồn 232,7 tỷ đồng; tỉnhVĩnh Phúc phân bổ muộn kinh phí Chương trình nâng cấp đê dẫn đến không sử dụng hết, phải chuyển nguồn 1,7 tỷ đồng. Một số địa phương thực hiện giải ngân thấp so với số vốn được giao, như: Chương trình MTQG Nông thôn mới đạt 22,2%, Chương trình 5 triệu ha rừng đạt 2,09% dự toán 2010 chuyển sang ở Bến Tre; Chương trình MTQG về việc làm 10,2 tỷ đồng đạt 39,7% dự toán, Chương trình giảm nghèo 0,97 tỷ đồng đạt 19,4% dự toán, Chương trình định canh, định cư 0,02 tỷ đồng đạt 1,8% dự toán ở Bình Thuận. Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn tài trợ, ủng hộ chưa đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả, còn tình trạng chi sai đối tượng, mục tiêu, chi hỗ trợ không đúng định mức...

Cũng theo kết quả kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, hệ thống pháp lý, quy định thực hiện Chương trình chưa hoàn thiện hoặc không bám sát thực tế, còn nhiều bất cập. Các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu không phù hợp với đặc thù và năng lực tổ chức thực hiện ở các huyện nghèo nhưng chưa có văn bản trình cơ chế đặc thù theo tinh thần của Nghị quyết 30a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa nghiên cứu bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện một số quy định để tránh chồng chéo và phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương như: Chính sách hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; Chính sách hỗ trợ một lần để mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế chưa có văn bản cụ thể hóa chính sách ưu đãi cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Tại một số địa phương, tình trạng sử dụng kinh phí không đúng nội dung, mục đích, không đúng đối tượng hoặc không theo dõi ghi thu - ghi chi qua ngân sách nhà nước các khoản do cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội ủng hộ... Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại một số xã còn hạn chế, tập trung quá nhiều vào đầu tư cơ sở vật chất; kinh phí ngân sách Trung ương cấp còn chậm và thiếu so với nhu cầu, dẫn tới nhiều mục tiêu của Chương trình chưa đạt được theo Đề án được duyệt và theo Nghị quyết 30a.

Đối với Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, do yêu cầu triển khai thực hiện Chính sách gấp (Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ban hành ngày 12/12/2008 nhưng yêu cầu trong năm 2008 các tỉnh phải cơ bản thực hiện xong việc bình xét, lập danh sách số hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Quyết định này) nên nhiều địa phương không đủ thời gian để tổ chức bình xét tại cơ sở thôn, bản. Số hộ trong Đề án của một số tỉnh so với số hộ thực tế cần được hỗ trợ có sự chênh lệch nhiều, đơn cử như các tỉnh: Phú Thọ, đề án 12.768 hộ, rà soát lại còn 11.638 hộ; Bắc Giang sau khi rà soát đã loại 429 hộ; Quảng Trị sau khi rà soát còn 4.566 hộ/7.797 hộ; Cà Mau bổ sung 1.299 hộ, loại 2.910 hộ.

Việc chênh lệch nêu trên đã dẫn đến kết quả NSNN phân bổ có tỉnh vượt nhu cầu vốn (Lâm Đồng 22,1 tỷ đồng; Quảng Trị 19,8 tỷ đồng; Bắc Giang 2,6 tỷ đồng; Tây Ninh 26,7 tỷ đồng ...), có tỉnh thiếu vốn so với nhu cầu thực tế (Ninh Thuận năm 2011, ngân sách địa phương ứng 2,4 tỷ đồng; Phú Thọ năm 2010, ngân sách địa phương ứng 39,4 tỷ đồng;...). Một số quy định còn bất cập, tại một số địa phương, văn bản hướng dẫn còn chậm hoặc chưa phù hợp với hướng dẫn của Trung ương; xây dựng nhà mô hình chưa phù hợp với tập tục, văn hóa của đồng bào dẫn đến không áp dụng được; hỗ trợ sai đối tượng, hỗ trợ không theo thứ tự ưu tiên, công tác công khai, dân chủ chưa được thực hiện nghiêm túc.

Từ những kết luận nêu trên, KTNN đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, sửa đổi cơ chế điều hành các Chương trình MTQG theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chương trình và các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện mục tiêu và quản lý kinh phí. Có giải pháp để các địa phương quan tâm, tăng cường đầu tư, bố trí vốn đối ứng nhằm đảm bảo nguồn lực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Đối với Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành, KTNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất, căn cứ điều kiện kinh tế đất nước và nhu cầu vốn theo Đề án đã được phê duyệt, hàng năm đề nghị Chính phủ xem xét bố trí kinh phí phù hợp từ ngân sách trung ương để đầu tư cho 62 huyện nghèo, giúp các địa phương chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn.

Thứ hai, chỉ đạo các địa phương: Gắn việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP với thực hiện tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm.

Thứ ba, xem xét, quy định việc hỗ trợ các huyện nghèo bằng một chương trình mục tiêu chung (bao gồm tất các các Chương trình MTQG, các nhiệm vụ chi trên địa bàn huyện nghèo) để giảm đầu mối, tập trung nguồn lực cho việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thứ tư, tiếp tục ưu tiên nguồn lực từ các chương trình, dự án, vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các huyện nghèo.

Thứ năm, vận động thêm nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tài trợ, đỡ đầu cho các huyện nghèo.

Theo Kiểm toán Cuối tháng