Các giải pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu


Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam. Cho đến nay, về phía Việt Nam đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhằm thực hiện việc khai thác hải sản hợp pháp, trong Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (chiều 21/11/2017) đã nội luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Nội dung này được quy định rải rác trong các Điều và các chương của Luật, tập trung vào các khuyến nghị của EC. Cụ thể, quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá. Quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn.

Quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng; thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam. Quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (trong đó tàu 24m trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động),...

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá, người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, phối hợp và bố trí địa điểm làm việc để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác có liên quan trên tàu cá, tại cảng cá.

Với các quy định mới trong Luật Thủy sản (sửa đổi), theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện chống đánh bắt bất hợp pháp theo quy định của IUU.

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam phân tích, do ảnh hưởng của “thẻ vàng”, về mức độ kiểm tra ngặt nghèo các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam qua các thị trường, đặc biệt là thị trường EU có thể tốn thời gian và chi phí rất nhiều. Nếu gặp bất lợi, phía nhập khẩu sẽ trả về. Vì vậy, ngoài các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng thì người dân có sản phẩm bán cho các doanh nghiệp này cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo.

Về lâu dài, ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng, cần tăng cường hoạt động đẩy mạnh kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, gắn kết với các hoạt động tự giác của bà con ngư dân nhằm làm sao thực hiện được việc đánh bắt có quản lý, chống đánh bắt bất hợp pháp. Trong đó, để làm được điều này, yêu cầu cả hệ thống tham gia và ngư dân cần thực hiện theo pháp luật. “Pháp luật cần chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ thì ngư dân sẽ làm rất nghiêm chỉnh, vì điều này gắn liền với đời sống sản xuất của người dân” – ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, cần làm sao để cả hệ thống quản lý thị trường nước ngoài thấy được Việt Nam đang có những hành động tích cực bảo đảm được đánh bắt hợp pháp, đánh bắt thủy sản có trách nhiệm với Việt Nam và với thế giới; bảo đảm hàng hóa truy xuất được nguồn gốc, có chất lượng, có bảo đảm và bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên. Từ đây, người tiêu dùng sẽ sử dụng những sản phẩm đó.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Thắng, các cơ quan quản lý nhà nước cùng với bà con ngư dân, các hội nghề nghiệp của người dân, hội thủy sản, hội nghề cá các tỉnh, các địa phương cần thực hiện đầy đủ về các quy định chống đánh bắt bất hợp pháp. Thực hiện có chứng nhận, có ghi chép, theo dõi và sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện có gắn kết với các doanh nghiệp có chế biến xuất khẩu.

Đặc biệt, ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng, không chỉ phía ngư dân thực hiện chống đánh bắt bất hợp pháp, mà cả hệ thống phải tham gia và các doanh nghiệp cùng tham gia có trách nhiệm. Ở đây còn bao gồm đến công tác quản lý hải quan, bởi còn bao gồm quản lý những tàu cá nhập nguyên liệu vào trong khi những nguyên liệu này cũng nằm trong tầm kiểm soát của IUU. Nếu sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp lọt vào Việt Nam thì cơ quan hải quan cũng phải có trách nhiệm ngăn chặn. 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của các Bộ, địa phương nhằm khắc phục với chủ trương triển khai các giải pháp ban hành kế hoạch hành động với các biện pháp thực thi quyết liệt để sớm thoát ra khỏi tình trạng “thẻ vàng”; khẩn trương rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản (sửa đổi), ưu tiên các văn bản có nội dung về quản lý khai thác IUU để đáp ứng yêu cầu của EC, đảm bảo văn bản dưới Luật có hiệu lực thi hành cùng thời điểm Luật Thủy sản sửa đổi có hiệu lực,...Qua đó, nhằm đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp thúc đẩy EC gỡ lại “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam/.