Các tỉnh khác không bị bất lợi khi TP. Hồ Chí Minh hưởng cơ chế đặc thù

Theo Nhã Đan/reatimes.vn

Phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) hôm 28/11 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cơ chế đặc thù mà TP. Hồ Chí Minh hưởng không ảnh hưởng xấu tới các tỉnh thành khác, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam. Bởi nếu ảnh hưởng xấu thì Quốc hội đã không thông qua.

  Cơ chế đặc thù sẽ tạo sự phát triển cho TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet
Cơ chế đặc thù sẽ tạo sự phát triển cho TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet

Nhiều cử tri TP. Hồ Chí Minh tin tưởng cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện giúp TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” của cả nước về kinh tế, khoa học, công nghệ, thương mại… Nhưng bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng nêu những băn khoăn, lo lắng về các vấn đề như thu ngân sách TP, đóng góp ngân sách cho Chính phủ cũng như lo ngại về cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh sẽ làm ảnh hưởng tới việc phát triển đồng bộ giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành khác.

Trước lo ngại này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cơ chế đặc thù sẽ không ảnh hưởng gì tới thu ngân sách của TP và nộp ngân sách cho chính phủ. TP vẫn sẽ có ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục…

Đặc biệt, trả lời lo lắng của người dân về việc cơ chế đặc thù có ảnh hưởng xấu tới các tỉnh, thành khác hay không, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Tôi khẳng định cơ chế đặc thù mà TP. Hồ Chí Minh hưởng không ảnh hưởng xấu tới các tỉnh thành khác, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam. Bởi nếu ảnh hưởng xấu thì Quốc hội đã không thông qua”.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP. Hồ Chí Minh có dân số chiếm 9% dân số cả nước, đóng góp ngân sách 27% cả nước,Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển TP. Hồ Chí Minh mạnh hơn thời gian qua và TP cam kết tiếp tục đóng góp cho cả nước.

Cứ 7 - 8 năm, dân số TP. Hồ Chí Minh lại tăng thêm 1 triệu người, trong đó có nhiều người từ các tỉnh, thành khác đến thành phố và TP. Hồ Chí Minh chưa có biện pháp hạn chế dòng di chuyển này bởi đó là quyền tự do đi lại, tự do cư trú của người dân theo hiến định. Chính vì vậy, khi có cơ chế đặc thù, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển tốt hơn cho người dân TP. Hồ Chí Minh có cuộc sống ổn định về kinh tế, y tế, giáo dục…

Trước đó, chiều 24/11 Quốc hội đã thông qua việc cho phép TP. Hồ Chí Minh được hưởng cơ chế đặc thù từ ngày 15/1/2018 và thực hiện trong vòng 5 năm. Mục đích để tạo đột phá cho TP. Hồ Chí Minh phát triển là đầu tàu kinh tế của đất nước.

Với điểm đáng chú ý là Ngân sách TP. Hồ Chí Minh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu quy định tại khoản 1 và khoản 2, điều này so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.

Thành phố cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

TP. Hồ Chí Minh được sử dụng nguồn thu này và ngân sách TP để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của TP; ngân sách Trung ương không bổ sung cho thành phố 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.