Cách hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc

TS. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Tại Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương cần tính đến các nhân tố gây căng thẳng và bất ổn khu vực khi xây dựng các kịch bản kế hoạch phát triển cho thời gian tới. Qua đó, vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) quá lớn là nội dung đang nóng lên tại nhiều diễn đàn.

 Cách hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc
Từ 210 triệu USD năm 2001 đến năm 2013 Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 21,6 tỷ USD. Nguồn: internet

Từ 210 triệu USD năm 2001 đến năm 2013 Việt Nam đã nhập siêu từ TQ 21,6 tỷ USD. Ngoài nguyên nhân TQ những năm gần đây đã tập trung phát triển sản phẩm trung gian để trở thành “công xưởng của thế giới”, chính sách biên mậu đối với Việt Nam cũng đang đem lại nhiều lợi thế cho họ. TQ đã khá thành công trong chính sách biên mậu với Việt Nam, những năm qua.

Trong thương mại và đầu tư, TQ có nhiều thủ pháp xúc tiến giành lợi thế xuất khẩu như khuyến mại, ứng hàng cho thương nhân nhập khẩu, thanh toán bù trừ, hoàn đổi tiền tệ để khuyến khích thương nhân Việt Nam nhập khẩu. Tại các diễn đàn hợp tác biên mậu, các chuyên gia TQ từng khuyến khích sử dụng nhân dân tệ để buôn bán. Việc sử dụng nhân dân tệ với các dịch vụ đổi tiền tự phát ở biên giới dã kích thích nhập khẩu hàng hóa TQ.

DN cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kinh ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Bên cạnh đó, đầu tư của TQ vào Việt Nam cũng là nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu. Các nhà đầu tư, nhà thầu TQ luôn khảo sát rất kĩ thị trường Việt Nam rồi bỏ thầu giá thấp, hứa hẹn thời gian hoàn thành nhanh… nhằm trúng thầu để đưa máy móc thiết bị giá rẻ, lạc hậu vào Việt Nam. Hậu quả của các dự án trên là tiến độ nhiều dự án ngừng trệ, chất lượng công trình không bảo đảm.

Ví dụ nhà máy nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nông Sơn chậm 20 tháng, Cao Ngạn chậm 28 tháng, Hải Phòng 1 và 2 chậm 18 tháng, Quảng Ninh 1 và 2 chậm 24 tháng… Ví dụ khác về chất lượng dự án là Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ 1 được khởi công năm 2003, ký hợp đồng EPC năm 2005, sau 5 năm cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn hoạt động cầm chừng vì hệ thống dây chuyền chưa hoàn thiện…

Việt Nam đã thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường bằng việc đẩy nhanh kí kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương như TPP, FTA với EU… Chính vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kinh ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu.

DN có thể chủ động kích thích sản xuất trong nước như đặt hàng, đấu thầu trong nước trước khi nhập khẩu. DN cần kiên trì thúc đẩy nhau sản xuất và tiêu thụ cho nhau những sản phẩm như vải cho dệt may, sắt thép cho xây dựng… Cùng với đó, DN cần xây dựng cho mình một hình ảnh tin cậy trước các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài. DN cần chủ động tham gia sản xuất các mặt hàng công nghiệp phụ trợ, sản phẩm trung gian trong chuỗi giá trị. Qua đó, Việt Nam có thể giảm được nhập siêu những sản phẩm trung gian từ “công xưởng của thế giới” đó là TQ.

Trong chính sách biên mậu, chúng ta cần gia tăng việc xuất khẩu nhẩu bằng con đường chính ngạch, khuyến khích các DN kí kết các hợp đồng làm ăn lâu dài với các DN TQ. Quản lí chặt tiểu ngạch bằng cách xử lí nghiêm hàng hóa không rõ xuất xứ, hàng hóa gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng giả ngay từ cửa khẩu. Những mặt hàng không đảm bảo chất lượng hoặc gây nguy hại đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng phải kiên quyết tiêu hủy hoặc buộc tái xuất. Lập hàng rào kĩ thuật hoặc đưa lên “danh sách đen” những mặt hàng cấm nhập…

Tự bảo vệ, tránh lệ thuộc

Năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu từ TQ đạt hơn 4,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 39% tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu ở các thị trường khác. Trong đó, Việt Nam nhập xơ, sợi hơn 465 triệu USD, chiếm tỷ trọng 47%; vải lên đến gần 3,9 tỷ USD, chiếm 46%. Có một điểm yếu đã nhiều lần được các DN lên tiếng, thậm chí có DN cho rằng nếu Việt Nam không có chính sách hỗ trợ đầu tư thì ngành công nghiệp dệt may Việt Nam vẫn mãi ở kiếp làm thuê, đó là chúng ta quá yếu trong khâu nhuộm, hoàn tất vải. Đây là công đoạn gây ô nhiễm nặng cho môi trường nên hầu hết các địa phương đã từ chối cho đặt nhà máy khi DN chưa có phương án rạch ròi.

Theo Hiệp hội dệt may, Bộ Công thương cần điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025, tầm nhìn 2030 theo hướng quy hoạch ba khu vực lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Từ đó, chính sách thu hút đầu tư sẽ tập trung vào các khu vực này với cả những quy trình sản xuất từ dệt, nhuộm và hoàn tất.

Ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Vinatex cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang hướng về việc trở thành thành viên của Hiệp định TPP. Do có đến 60% thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tập trung vào các nước thuộc khối đàm phán TPP, nên khi tham gia Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể về thuế quan. Như thị trường Hoa Kỳ, hàng dệt may Việt Nam hiện chịu thuế suất khoảng 17 – 18%, khi Hiệp định TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Với các quy tắc xuất xứ có khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu nội khối TPP và hàng trong nước, các chính sách cần khuyến khích thúc đẩy DN đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu, cụ thể là sản xuất sợi, dệt và nhuộm.

Mặt khác, với vị trí của nhà nhập khẩu thì DN Việt Nam cũng nên biết cách bảo vệ mình, phát huy hết quyền hạn của bên mua hàng để phòng tránh tình trạng bị ép giá, làm giá từ đối tác quốc tế nói chung. Cùng với đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN và cơ quan Việt Nam cần tăng cường đặt hàng, sử dụng nguyên liệu và sản phẩm của nhau...

Để giải quyết vấn đề xử lý nguồn nước thải ô nhiễm, Hiệp hội Dệt may kiến nghị, Chính phủ cần tạo điều kiện thu hút đầu tư bằng hình thức BOT để thu phí đối với các DN. Đây chính là cách để gỡ nút thắt gây khó khăn “mãn tính” đối với các DN ngành dệt may.

 Theo dddn.com.vn