Cải cách là chìa khóa tăng trưởng

Theo Báo Đầu tư

Các cam kết cải cách đã được Chính phủ Việt Nam khẳng định, nhưng các đối tác phát triển vẫn tiếp tục hối thúc phải đẩy nhanh tiến độ cải cách, nếu Việt Nam không muốn đi chậm lại. Thông điệp này lại một lần nữa được Chính phủ Việt Nam phát đi trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). đó là Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cải cách là chìa khóa tăng trưởng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
“Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng, quyết định sự thành công của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, lựa chọn tiếp tục mô hình phát triển cũ hay tiến hành những cải cách cơ cấu, hướng tới mô hình tăng trưởng mới. Tiến hành cải cách cơ cấu, hướng tới mô hình tăng trưởng mới dựa vào năng suất, năng lực cạnh tranh… là mô hình Việt Nam đang và sẽ lựa chọn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phát biểu tại buổi tiệc tiếp các nhà tài trợ được tổ chức tối 9/12, ngay trước phiên khai mạc Hội nghị CG ngày 10/12.

Báo cáo của Chính phủ với chủ đề “Tạo nền tảng cho phát triển bền vững” dự kiến được trình bày tại Hội nghị CG cho thấy, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, năm qua, Việt Nam đã xác định và tập trung cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Việc xử lý nợ xấu, một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, cũng đã bắt đầu được thực hiện.

Tương tự, các kết quả đầu tiên với tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công cũng đã được thực hiện. Tính đến ngày 22/10/2012, đã có 52 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng đề án tái cơ cấu trình bộ chuyên ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các động thái thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã được một số tập đoàn thực hiện.

Tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trước thềm Hội nghị CG, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định, năm 2013, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, Việt Nam tập trung hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nợ xấu của hệ thống ngân hàng, phấn đấu trong 2 năm tới, nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ trở lại mức bình thường.

Còn với đầu tư công, hơn 1 năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý; phân chia dự án đầu tư thành 3 loại và đã chú ý ưu tiên tập trung bố trí vốn cho những dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sớm hoàn thành trong năm 2012-2013…

“Kỷ luật, kỷ cương trong lựa chọn, quyết định và phê duyệt dự án đầu tư đã được tăng cường; điều kiện để phê duyệt dự án đầu tư đã được thắt chặt; trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả đầu tư nói chung và của từng dự án cụ thể nói riêng bước đầu đã được tăng cường. Do đó, tình trạng dàn trải, phân tán trong phân bổ vốn đầu tư công đã được khắc phục rõ nét, nhất là ở các bộ, ngành trung ương”, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế là, quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang được cho là khá chậm chạp. Tiến trình này sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới, với các mục tiêu và kế hoạch cụ thể, sẽ được thảo luận tại Hội nghị CG lần này.

Đánh giá cao các cam kết cải cách này, cộng đồng các nhà tài trợ và các đối tác phát triển của Việt Nam cho rằng, cùng với cải cách, Chính phủ Việt Nam phải có các hành động cụ thể và quyết liệt, nếu không muốn bị chậm chân trong hành trình phát triển.