Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan)

Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan xác định cải cải cách thủ tục hành là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục từ khâu xây dựng thể chế đến tổ chức thực hiện, nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo yêu cầu hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Nhờ làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Triển khai các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành hàng năm từ năm 2014 đến nay về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020 và các kế hoạch hành động của Bộ Tài chính về thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm giúp doanh nghiệp (DN) rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời bảo đảm kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu chính xác theo đúng chức trách của mình.

Cải cách thể chế về hải quan, về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã quyết liệt thực hiện cải cách thể chế về hải quan, về thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK). Sau khi tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Hải quan 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2005), Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Hải quan năm 2014 với nhiều chế định cải cách mạnh mẽ về thủ tục hải quan như: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện TTHC; Đơn giản hóa hồ sơ hải quan (hồ sơ chỉ còn tờ khai hải quan, trường hợp cần thiết mới phải nộp thêm các giấy tờ có liên quan); Tăng cường áp dụng các phương pháp quản lý hải quan hiện đại (kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, xác định trước mã, xuất xứ, trị giá; Công nhận DN ưu tiên…);  Phối hợp với Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) tổng kết 10 năm thi hành Luật Thuế XK, thuế NK năm 2005.

Trên cơ sở đó, ngành Hải quan đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, trình Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội thông qua Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016 nhằm tiếp tục cải cách mạnh mẽ TTHC về thuế XK, thuế NK, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Từ khi 2 Luật trên được ban hành, hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết được Tổng cục Hải quan xây dựng, trình ban hành khá đầy đủ.

Đặc biệt là việc ban hành Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Hiện nay, Nghị định này đã được sửa đổi theo Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tế thời gian qua.

Có thể nói, hệ thống pháp luật hải quan, pháp luật thuế xuất nhập khẩu được ban hành đầy đủ, ngày càng được hoàn chỉnh, đã giúp giảm bớt số lượng TTHC hải quan (giảm từ 239 thủ tục trước khi có Luật Hải quan 2014 giảm xuống còn 180 thủ tục hiện nay). Trong số 180 TTHC hải quan đã được đơn giản hóa hồ sơ giấy tờ, phương thức thực hiện hầu hết được điện tử hóa, tạo điều kiện tối đa cho DN.

Đặc biệt, mới đây, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngành Hải quan đã nghiên cứu đề xuất cắt giảm 15/31 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan. Hiện nay, ngành Hải quan đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan

Từ năm 2014, ngành Hải quan đã tiếp nhận và quản lý, triển khai vận hành ngày càng có hiệu quả Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với 100% Chi cục Hải quan thực hiện, bảo đảm vận hành 24/7 với 99% thủ tục hải quan được thực hiện qua Hệ thống này. Trong đó, tỷ lệ hàng luồng xanh chiếm tới 95%, thông quan tự động trong 3 giây; hàng luồng vàng chiếm 3% (kiểm tra hồ sơ hải quan) và hàng luồng đỏ chiếm 2% (kiểm tra thực tế hàng hóa).

Cùng với đó, ngành Hải quan xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch tổng thể về Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay đã có 11 bộ, ngành tham gia Cơ chế một cửa quốc gia với 53 TTHC được kết nối.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, số hồ sơ hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đạt xấp xỉ 411 nghìn bộ, số DN tham gia trên 4,3 nghìn. Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã trao đổi chính thức thông tin e-C/O form D với các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan; đang phối hợp để trao đổi với với Brunei, Campuchia, Philippines.

Trong năm 2017, ngành Hải quan xây dựng Hệ thống quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo phương thức quản lý mới; Triển khai thí điểm tại Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan Hà Nội về hệ thống quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không đảm bảo yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa từ khâu đầu đến khâu cuối (hiện nay đang mở rộng trên phạm vi toàn quốc); Triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tối thiểu mức độ 3 lên 170/180 TTHC (chiếm hơn 94,4% số lượng TTHC), trong đó, có 161 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số hồ sơ TTHC được thực hiện trên Hệ thống DVCTT là 38.031 bộ với tổng số đối tượng thực hiện DVCTT là 7.733, trong đó số DN là 7.641; cá nhân là 92 thực hiện DVCTT.  Ngành Hải quan ký kết với 37 ngân hàng thương mại để thu thuế điện tử, số thu chiếm 90% số thu ngân sách của Ngành, giảm thời gian từ 2 ngày xuống còn 15 phút; triển khai chính thức Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 từ ngày 23/10/2017 với 13 ngân hàng thương mại.

Đẩy mạnh áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc “đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, hơn 10 năm qua, ngành Hải quan đã hình thành lực lượng kiểm tra sau thông quan có chất lượng. Theo đó, phần lớn các hồ sơ, hàng hóa đã thông quan (nhập khẩu) đều được kiểm tra sau thông quan, qua đó kiểm tra việc chấp hành pháp luật hải quan; đồng thời, xử lý đầy đủ các trường hợp có vi phạm về thủ tục và thuế.

Trong bối cảnh quy mô hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng, biên chế cơ quan Hải quan không tăng, ngành Hải quan không ngừng ứng dụng quản lý rủi ro trong hoạt động, trước hết nhằm phân luồng hàng hóa để có biện pháp thông quan phù hợp.  Về lâu dài sẽ đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan của DN để áp dụng phương pháp quản lý tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Việc cơ quan Hải quan áp dụng xác định trước mã, xuất xứ, trị giá hải quan theo yêu cầu của DN đã giúp DN giảm bớt rất nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc cơ quan Hải quan áp dụng công nhận DN ưu tiên cũng là hướng giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng. Hiện nay, ngành Hải quan đang xây dựng Đề án thí điểm bảo lãnh sau thông quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018.

Phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Ngành Hải quan tiếp tục triển khai Đề án giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến tháng 2/2018, có 13 bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản pháp luật về quản lý, KTCN (chiếm 92%), trong đó có 7 Bộ đã hoàn thành (Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Xây dựng).

 Để thống nhất mã số hàng hóa quản lý chuyên ngành và KTCN theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC, Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ chuyên ngành rà soát, chuẩn hóa mã số đối với Danh mục hàng hóa quản lý và KTCN; Đồng thời, ban hành Công văn số 11263/BTC-TCHQ ngày 23/8/2017 kiến nghị các bộ, ngành rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa thuộc diện KTCN.

Đến nay, các bộ, ngành đã ban hành cơ bản đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng trước thông quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều danh mục hàng hóa chưa được các bộ chính thức ban hành; một số danh mục có tên hàng nhưng không có mã số HS kèm theo hoặc đã có mã HS nhưng chưa phù hợp với đanh mục hàng hóa XNK ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC.

Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, xã hội hóa hoạt động KTCN cũng đã được quan tâm triển khai, đặc biệt là nguồn lực KTCN của cơ quan Hải quan (Cục Kiểm định Hải quan).

Cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức

Ngành Hải quan thường xuyên rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc. Trên cơ sở đó, vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành 20 quyết định quy định cơ cấu tổ chức của các Chi cục Hải quan và đơn vị tương đương của 20 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và quy định cơ cấu tổ chức của các Chi cục Kiểm định, Trung tâm Kiểm định thuộc Cục Kiểm định Hải quan.

Qua rà soát, ngành Hải quan đã cắt giảm 150 tổ chức bộ máy cấp đội (tổ) thuộc chi cục và tương đương; Xây dựng và thực hiện kế hoạch đổi mới một số hoạt động quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm; Duy trì và triển khai tốt công tác luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức, viên chức trong Ngành, đưa công tác điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác trong đơn vị thành nề nếp...

Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Quy chế hoạt động công vụ, Quy chế kiểm soát 3 cấp Hải quan, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng nhằm tạo chuẩn mực ứng xử của công chức Hải quan trong giải quyết công việc. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, ngành Hải quan đã xây dựng quan hệ đối tác Hải quan – DN, để vừa phổ biến chính sách mới, vừa đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN...

Quản lý tốt các hoạt động bổ trợ cho thực hiện thủ tục hải quan

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai thường xuyên công tác kiểm soát TTHC; Công bố công khai bộ TTHC hải quan; Tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị về TTHC hải quan; Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật hải quan cho công chức Hải quan, cho cộng đồng DN  bằng nhiều hình thức nhất là thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn pháp luật và nghiệp vụ, qua các trang thông tin điện tử và gặp gỡ, đối thoại với DN.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan chú trọng hoạt động điều tra, chống buôn lậu nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Tập trung nâng cao chất lượng công tác phân tích, phân loại hàng hóa XNK để bảo đảm tính chính xác, khách quan, hạn chế khiếu kiện; tập trung thực hiện tốt công tác thống kê hải quan.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính về cải cách TTHC nhằm phục vụ tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, DN, ngành Hải quan là một trong những Ngành đi tiên phong trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau dẫn đến chất lượng, hiệu quả cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan chưa đạt như mong muốn và kỳ vọng của cộng đồng DN và người dân.

Vì vậy, đòi hỏi ngành Hải quan trong những năm tới phải quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách TTHC bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng, kỷ cương trong đội ngũ công chức Hải quan; đồng thời, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm soát có hiệu quả việc tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu Chính phủ giao là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới ngang bằng các nước ASEAN-4 và giúp cộng đồng DN phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Hải quan Luật Hải quan 2014;
  2. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016;
  3. Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
  4. Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ;
  5. Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018;
  6. Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 ban hành danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam.