"Cai nghiện" hàng Trung Quốc

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Với những người trực tiếp khai thác, kinh doanh, việc "cai nghiện" hàng Trung Quốc thực sự là bài toán khó, chứ không chỉ đơn giản như thể hiện quyết tâm bằng lời nói.

"Cai nghiện" hàng Trung Quốc
Thượng vàng, hạ cám đều… made in China. Nguồn: internet

Lâu nay, các "chuyên gia" thị trường thường khẳng định hàng Trung Quốc thắng thế là do giá rẻ, dù chất lượng thấp. Đó là cách khẳng định không sai, nhưng rất thiếu thực tế.

Dường như, giá rẻ cộng với chất lượng thấp chỉ là phần nổi của tảng băng chìm: chiến lược cạnh tranh mà Trung Quốc xây dựng cho hàng hóa của họ, cho đến nay, ít được nghiên cứu và định danh thấu đáo.

Đồ Trung Quốc "lành" nhất

Theo nhiều lái xe vận tải hàng hóa cỡ lớn, đầu kéo container, hiện đối với dòng xe này, thì xe xuất xứ Trung Quốc đang thắng thế trước xe của Mỹ và Hàn Quốc. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập ôtô vận tải cho biết, xe Trung Quốc giải quyết tốt nhất bài toán chất lượng sử dụng và giá cả, hơn hẳn so với xe Hàn Quốc, Mỹ.

Ông này lấy ví dụ, xe Trung Quốc làm các chủ xe thích vì "ăn" dầu ít hơn xe Mỹ và Hàn Quốc, và giá lại rẻ chỉ bằng 60% so với xe xuất xứ từ hai nước này. Ngay cả so sánh về yêu cầu đối với độ bền, xe của Trung Quốc cũng hợp hơn với điều kiện khai thác ở Việt Nam.
Với các chủ xe phía Việt Nam, xe Trung Quốc có tuổi thọ khai thác chỉ bằng nửa so với xe Mỹ, Hàn Quốc (5 năm so với 10 năm), nhưng do đầu tư thấp và chi phí vận hành thấp nên vẫn được ưa chuộng.

Chủ một cửa hàng bán dụng cụ điện cầm tay nói "dường như Trung Quốc có chương trình để phá hoại uy tín thương hiệu của hàng hóa nước khác, để từ đó tạo lợi thế cho hàng cùng chủng loại của Trung Quốc". Ông này ví dụ, trong khi các nước khác không ai thiết làm giả hàng Trung Quốc, thì Trung Quốc thực hiện làm giả tất cả hàng hóa các nước cạnh tranh với họ.

Về thiết kế hàng điện máy, ôtô, hàng Trung Quốc "nhái" theo phần lớn các thương hiệu lớn nhất của Nhật, Mỹ, Đức… Tức là, Trung Quốc có sản phẩm tương tự hàng cùng chủng loại từ các nước này (chỉ khác thương hiệu), kèm theo đó là phụ tùng thay thế cũng "nhái" theo, và giá rất rẻ.

Phụ tùng, linh kiện của Trung Quốc chế tạo cho hàng có thương hiệu Trung Quốc có thể lắp lẫn cho rất nhiều máy móc, thiết bị của nước khác, đó là một thực tế. Cách kinh doanh xấu xa này không chỉ giúp hàng Trung Quốc bán được với giá rẻ, mà còn làm người sử dụng "sợ" sử dụng hàng của các nước khác do lo ngại bị mua phải hàng nhái.

Do thế, giới thợ thuyền, lái xe truyền tai nhau nguyên tắc: dùng hàng Trung Quốc là "lành" nhất – hiểu theo nghĩa không chỉ là rẻ nhất, mà là giá cả sẽ đúng với chất lượng, không lo bị… nhái. Tâm lý này hiện đã trở thành thói quen tiêu dùng – đó mới là vấn đề nguy hiểm.

Nên giảm, hay tăng phụ thuộc?

Vấn đề phải giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đã được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội và yêu cầu này "được" các nhà quản lý khẳng định là đã ý thức được, đã thực hiện từ lâu.

Nhưng giải pháp đưa ra lại hết sức mờ mịt, chẳng hạn như tìm cách giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, tìm các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu khác thay thế Trung Quốc… Mới nhìn qua các giải pháp này thì thấy hợp lý, nhưng tính toán lại, thì lại thấy… không ổn.

Chẳng hạn, Nhật, Mỹ đều là các quốc gia hiện đang thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, thậm chí lớn gấp nhiều lần so với Việt Nam, nhưng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc của hai nước này chắc chắn thấp hơn Việt Nam.

Mặt khác, trong khi Việt Nam đang hướng tới hội nhập kinh tế thế giới, trong khi Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đặt vấn đề giảm phụ thuộc vào Trung Quốc chả khác gì hạn chế mục tiêu phát triển kinh tế. Đó lại là điều ít người chú ý. Do vậy, cần có cách tiếp cận khác trong yêu cầu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang "thiệt", khi chủ yếu nhập nguyên liệu, hàng tiêu dùng và thiết bị máy móc từ Trung Quốc, nhưng lại chủ yếu xuất thô khoáng sản và nông sản.
Tuy nhiên, thực tế là sự "thiệt" này đã không được hiểu đúng. Nếu quy đổi giá trị hàng hóa thành kim ngạch, rõ ràng đúng là Việt Nam đang thiệt. Nhưng thực tế, trong ngoại thương toàn thế giới, mọi nước đều nhập khẩu hàng hóa họ cần và xuất khẩu hàng hóa nước khác muốn.

Do thế, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nếu Việt Nam giảm xuất khẩu nông sản và khoáng sản thì họ sẽ tìm nguồn cung khác. Tương tự là Việt Nam sẽ phải tìm nguồn nhập khẩu hàng nguyên liệu, hàng tiêu dùng và thiết bị máy móc từ nước khác để thay thế hàng Trung Quốc.

Trong trường hợp này, cả hai bên đều thiệt nhưng thiệt hại với Việt Nam sẽ cao hơn, vì các loại hàng Việt Nam nhập đều có giá cao hơn hàng Việt Nam xuất. Giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, do thế, trở thành lựa chọn làm nền kinh tế bị giảm hiệu quả và chắc chắn đó là kết quả không ai mong muốn.

Phương án tìm nguồn cung khác đã được tính tới, và công bố, thực tế đã được triển khai. Tuy nhiên, hiện rất ít nước có khả năng sản xuất hàng hóa Việt Nam cần (nguyên liệu, hàng tiêu dùng, máy móc) với giá rẻ như Trung Quốc.

Từ đây, bài toán giảm phụ thuộc vào Trung Quốc dường như không còn là giảm nhập khẩu, hay giảm xuất khẩu mà là phải gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tới mức tỷ lệ đóng góp từ kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt – Trung không còn chiếm lớn nhất như hiện tại.

Mặt khác, việc bảo vệ thị trường tiêu dùng trong nước – bao gồm từ hàng hóa tiêu dùng cơ bản tới vật tư, nguyên liệu, thiết bị – trước sự lấn át của hàng hóa Trung Quốc sẽ không chỉ là bảo vệ, động viên các nhà sản xuất trong nước vươn lên nắm giữ được thị trường mà còn bao gồm cả mảng hoạt động bảo vệ hàng hóa nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Nói cách khác là các hàng hóa làm nhái về phụ tùng, thiết bị, vật tư của Trung Quốc phải không còn đất sống trên thị trường Việt Nam. Và từ đó thói quen tiêu dùng, hay khả năng hạn hẹp buộc phải dùng hàng Trung Quốc mới được thay đổi.

Vấn đề tăng, hay giảm phụ thuộc vào hàng Trung Quốc, do thế, không nên đặt ra. Mà nên đặt vấn đề bảo vệ, phát triển hàng hóa Việt Nam và các nước thế nào, để khắc chế sự cạnh tranh xấu xa của hàng Trung Quốc.