Cải thiện “điểm nghẽn” tổng cầu

Theo chinhphu.vn

Trước thực trạng cầu yếu và tác động tiêu cực của nó, đã có những đề xuất cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Chính phủ đã đồng tình với việc tăng cầu, nhưng vẫn phải kiên trì với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế.

Có thể thấy tổng cầu còn yếu là “điểm nghẽn” lớn của nền kinh tế nước ta. Để cải thiện tình trạng này, cần tăng tổng cầu, nhưng kiên trì mục tiêu đã đề ra.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã đề cập vấn đề này. Cụ thể: Tăng tín dụng để tăng tổng cầu của nền kinh tế nhằm kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển, song phải quan tâm đến hiệu quả nguồn vốn tín dụng, tăng tổng cầu song không để phát sinh và làm tăng nợ xấu, gây tác động tiêu cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Mối lo cầu yếu

Tổng cầu yếu thể hiện ở nhiều mặt, song có thể nhận diện thông qua việc so sánh một số chỉ tiêu có liên quan đến tổng cầu (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá), tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu của 7 tháng đầu năm 2013 với bình quân năm trong thời kỳ 2007-2012).

 Cải thiện “điểm nghẽn” tổng cầu - Ảnh 1
Một số chỉ tiêu liên quan đến tổng cầu (bình quân giai đoạn 2007-2012 và 7 tháng 2013). Nguồn: TCTK và NHNN

Có thể nhận diện sâu hơn về mức độ yếu của tổng cầu khi đi sâu vào các chỉ tiêu cụ thể.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đã giảm nhanh từ vài năm nay (2011 còn 33,3%, năm 2012 còn 30,5%) và xuống mức còn thấp trong 6 tháng đầu năm 2013; theo dự báo của Bộ Kế  hoạch và Đầu tư, cả năm 2013 có thể còn xuống 29%, không chỉ thấp hơn các năm trước mà còn thấp hơn cả tỷ lệ theo mục tiêu kế hoạch (30%).

Tốc độ tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thấp hơn tốc độ tăng giá; nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước còn bị giảm (7 tháng giảm 2,4%).

Tốc độ tăng thương mại bán lẻ 7 tháng năm nay không chỉ thấp bằng một nửa tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2007-2012, mà đã thấp từ năm 2011 (năm 2011 tăng 4,7%, năm 2012 tăng 6,2%). Không chỉ thấp hơn về tốc độ tăng mà cơ cấu thương mại bán lẻ cũng chuyển dịch theo xu hướng “co lại”.

Tỷ trọng mua từ khu vực cá thể (chủ yếu ở các chợ, các cửa  hàng nhỏ lẻ) chiếm mức cao nhất và tăng so với cùng kỳ năm trước (50,4% so với 48,4%), do đạt tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung tính theo giá thực tế (16,8% so với 12%). Tỷ trọng mua ở các loại hình khác (với trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi có giá cả được niêm yết, cân đong đo đếm rõ ràng, độ vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn…, nhưng phẩm cấp cao hơn, giá cả cao hơn so với túi tiền của bộ phận lớn dân cư) thì giảm, do tốc độ tăng thấp hơn, thậm chí khu vực Nhà nước còn giảm.

Tỷ trọng mua ở ngành thương nghiệp thuần túy (hàng hóa) cao hơn nhiều so với tỷ trọng mua ở các ngành dịch vụ (76,9% so với 23,1%), trong đó chi tiêu cho dịch vụ du lịch tăng thấp nhất (2%) và chiếm tỷ trọng thấp nhất (1%), tiêu dùng cũng có xu hướng co lại.

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng đã thấp xuống nhanh từ 2011-2012, 7 tháng năm nay tuy không còn tăng thấp như cùng kỳ năm trước (0,57%), nhưng vẫn thấp xa so với bình quân chung thời kỳ 2007-2012 và còn thấp xa so với kế hoạch cả năm 2013.

Tổng cầu yếu tuy góp phần kiềm chế lạm phát, kiềm chế nhập siêu, nhưng hiệu ứng phụ của nó lại tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, làm cho tăng trưởng kinh tế rơi vào trì trệ và dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tổng cầu yếu đang là cái khó lớn của nền kinh tế hiện nay.

Tăng tổng cầu bằng nhiều giải pháp

Ngoài các giải pháp đã có trong các Nghị quyết 01, 02, Nghị quyết phiên họp hằng tháng của Chính phủ, có thể áp dụng thêm một số biện pháp.

Trước hết là đối với đầu tư, cần bám sát và giữ tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP bằng 30% như kế hoạch đã đề ra. Điều này không có gì mâu thuẫn với quan điểm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng vào việc tăng lượng vốn đầu tư. Bởi vì nếu đang từ tỷ lệ rất cao, đã giảm nhanh từ vài ba năm nay sẽ là chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác. Đành rằng tăng hiệu quả đầu tư quan trọng hơn là tăng lượng vốn đầu tư, nhưng để hiệu quả đầu tư tăng phải có thời gian nhất định, nếu giảm nhanh lượng vốn đầu tư, thì tăng trưởng kinh tế sẽ trì trệ, thậm chí sẽ bị suy giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP phải giảm xuống thấp  hơn, trong một vài năm nữa, khi kinh tế ổn định.

Thứ hai, đối với nguồn vốn thuộc khu vực Nhà nước cần có các giải pháp khác nhau. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần được giải ngân nhanh, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công; phát hành trái phiếu Chính phủ để vay trong nước cho đầu tư công. Có chuyên gia đề xuất biện pháp Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách vay thông qua mua trái phiếu Chính phủ. Đẩy mạnh cổ phần hoá, nhất là các đơn vị lớn. Mạnh dạn thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp, bao gồm cả ngành hàng không, viễn thông. Các địa phương khẩn trương trả nợ xây dựng cơ bản. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần thoái vốn ngoài ngành để tập trung cho chuyên ngành chính...

Thứ ba, đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần thu hút mạnh hơn các dự án để thu hút kỹ thuật-công nghệ cao, có tính lan toả của nó... Phát triển thị trường chứng khoán, mở thêm "room" (tỷ lệ đầu tư tối đa) cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Có vốn đối ứng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn ODA...

Thứ tư, đối với nguồn vốn dân doanh, cần có giải pháp mạnh hơn để vừa chống “vàng hoá”, “đô la hoá”, vừa thu hút được một lượng vốn khổng lồ dưới dạng vàng, USD đang nằm trong dân để đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh...

Thứ năm, quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả đầu tư vừa liên quan đến chất lượng tăng trưởng, vừa tiết kiệm được vốn.

Thứ sáu, đối với tiêu thụ trong nước, cần đẩy nhanh việc cắt giảm, giãn hoãn các khoản thuế, nhất là thuế VAT vì loại thuế này tác động trực tiếp đến giá cả. Các doanh nghiệp cần tìm mọi cách để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, kể cả hạ giá bán, bán trả góp, khuyến mại, đưa hàng hóa về nông thôn… Kiềm chế nhập khẩu những mặt  hàng trong nước đã sản xuất, những mặt hàng không khuyến khích, cần kiểm soát; yêu cầu các doanh nghiệp FDI tăng hơn nữa tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng đã sản xuất.

Hạ nhanh hơn nữa lãi suất cho vay, kể cả cho vay tiêu dùng cá nhân; tiếp tục hỗ trợ tín dụng nuôi cá tra, tôm, trồng cà phê; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng; đẩy mạnh thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Cùng với đó cần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực đầu tư công; giảm dần vốn đầu tư từ ngân sách và có cơ chế chính sách huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.