Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Theo nhandan.com.vn

Một kết quả điều tra các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) mới được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố đã cho thấy, trong số nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc địa điểm đầu tư thì 83% số nhà đầu tư chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác với lý do chủ yếu là chính sách ổn định cùng mức thuế suất ưu đãi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Không chỉ vậy, thu thập ý kiến của gần 1.600 DN FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau đang hoạt động tại Việt Nam thì có 11% số DN FDI cho biết đã tăng đầu tư tại Việt Nam và 62% số DN tuyển thêm lao động mới…

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước là hơn 4 tỷ USD, tăng tới 119,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới là 2,74 tỷ USD, tăng 125,2% và vốn đăng ký tăng thêm là gần 1,3 tỷ USD, tăng 107%.

Tâm lý tin tưởng vào cơ hội và môi trường đầu tư tại Việt Nam của nhiều nhà đầu tư nước ngoài chính là nguyên nhân khiến không ít DN FDI quyết định đầu tư, tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Rất nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam đang mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam tham gia ký hết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA…

Đầu tư để đón đầu các hiệp định này nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan đang được nhiều nhà đầu tư ráo riết thực hiện. Kỳ vọng một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam không phải không có cơ sở.

Song, cơ hội chỉ là điều kiện cần, làn sóng đầu tư này có hiện thực hóa hay không còn phụ thuộc vào môi trường đầu tư (điều kiện đủ). Môi trường đầu tư bao gồm nhiều yếu tố, từ thể chế, hệ thống pháp luật chính sách, quản trị nhà nước đến cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ, nguồn nhân lực…

Chỉ khi những yếu tố này mang tính cạnh tranh cao hơn so với các nước khác thì môi trường đầu tư mới trở nên hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, nếu môi trường đầu tư của Việt Nam không được tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, nâng cao tính cạnh tranh thì khó có thể nói tới việc đón làn sóng FDI, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trên thế giới và trong khu vực diễn ra ngày càng gay gắt.

Những lợi thế cạnh tranh trước đây như nhân công giá rẻ sẽ không còn giá trị khi thu hút FDI của Việt Nam đang hướng tới những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường…

Do đó, tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt, nổi trội, làm cho môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn, mang tính cạnh tranh cao là việc làm cấp bách hiện nay.