Cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh là yêu cầu liên tục

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Với góc nhìn đa chiều, toàn diện và minh bạch, các chuyên gia quốc tế thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới luôn đưa ra những đánh giá, nhận định có sức thuyết phục cao đối với cộng đồng quốc tế về năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế thông qua việc Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Qua đó, Việt Nam cũng có cơ hội tham khảo, rút kinh nghiệm từ việc phân tích kỹ các chỉ số, nhất là những điểm mạnh đã được cải thiện cũng như một số tồn tại, hạn chế để khắc phục trong tương lai gần.

 Cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh là yêu cầu liên tục
Nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia luôn là yêu cầu liên tục, không có điểm dừng. Nguồn: internet
Ghi nhận một bước tiến
 
Việc Việt Nam được xác nhận là tăng 5 bậc, vươn lên vị trí thứ 70 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, giai đoạn 2013-2014 đã đánh dấu một bước chuyển biến tích cực, là kết quả của rất nhiều nỗ lực từ tầm vĩ mô cũng như từ chính giới doanh nghiệp (DN). Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực quan trọng như môi trường vĩ mô, cơ sở hạ tầng và hiệu quả vận hành của thị trường hàng hóa. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thay đổi trên là do môi trường vĩ mô được cải thiện (chỉ tiêu này được xếp thứ 87, tăng 19 bậc) trong khi lạm phát quay trở lại mức một con số trong năm 2012.

Đây là điểm nhấn “kép” khá ngoạn mục, giúp uy tín của Việt Nam tăng khá rõ. Chất lượng hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng nói chung cũng được cải thiện, hiện Việt Nam xếp thứ 82, tăng 13 bậc. Kết quả xếp hạng về mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa cũng tăng lên (xếp thứ 47, tăng 17 bậc) do các rào cản thương mại cũng như thuế Thu nhập DN được điều chỉnh giảm xuống.
 
Nhờ đó, thị trường Việt Nam đang hấp thụ một xung lực mới, tuy chưa thật “hoành tráng” nhưng cũng đủ sức thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế; nhất là DN từ các nước Đông á. Theo nhận định của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), thời điểm hiện tại đã xuất hiện làn sóng đầu tư của các DN nhỏ và vừa của nước này vào Việt Nam, một phần nhờ sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện cùng với kết quả tích cực từ hàng loạt cải cách, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam; một phần khác là kết hợp việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản do Chính phủ hai nước thống nhất triển khai từ mấy năm qua. Đáng chú ý là, hiện tại đã có một số tập đoàn, DN lớn từ Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện những chuyến đi khảo sát, nghiên cứu thực trạng cũng như khả năng tham gia hợp tác hoặc đầu tư xây dựng một số nhà máy điện quy mô vừa và lớn tại khu vực miền Trung và Nam Bộ của Việt Nam.
 
Củng cố thành quả, khắc phục hạn chế
 
Tuy nhiên, việc tăng hay giảm thứ bậc trong bảng xếp hạng nói trên cũng mới chỉ là một thực tế mang tính thời điểm, tuy đáng để tham chiếu, so sánh, nhưng không thể bao quát hết các tình huống, lại càng không thể là một “chiếc gương” cứng nhắc đối với cơ quan quản lý. Giới chuyên gia khuyến cáo, về cơ bản thì sức cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn một số tồn tại đang hiển hiện trước mắt. Đó là mức độ bền vững của sự cải thiện nói trên chưa cao, có nguy cơ “mong manh” do một số chỉ tiêu thành phần đã bị tụt hạng gồm: hiệu quả thị trường lao động giảm 5 bậc (xếp thứ 56); mức độ phát triển của thị trường tài chính cũng giảm 5 bậc (xếp thứ 93). Xếp hạng về khoa học công nghệ là yếu tố đáng thất vọng khi giảm 4 bậc và xếp thứ 102, trái ngược với xu hướng phát triển của cộng đồng DN quốc tế. Thực tế này cho thấy sự “thờ ơ” của giới DN Việt nói chung trong việc du nhập, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thế giới vào sản xuất kinh doanh.
 
Hiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn tỏ ý lo ngại về sự hạn chế năng lực cũng như thiếu vắng các nhà cung cấp linh kiện tại chỗ; từ đó gây ảnh hưởng đến chiến lược phát triển lâu dài của họ ở Việt Nam, nhất là cản trở họ trong quá trình từng bước mở rộng quy mô hoạt động. Đơn cử, có tới 70% số DN của Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam phàn nàn về việc khó tìm đối tác có khả năng sản xuất linh kiện theo đơn đặt hàng và điều đó trở thành lực cản đối với nhà đầu tư trong việc định hướng quy mô sản xuất, xuất khẩu, đồng thời là rào cản cho chiến lược thực hiện nội địa hóa sản phẩm. Những vấn đề đó đã được nhận diện từ lâu nhưng chưa được tháo gỡ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là đối với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề nổi cộm, cản trở nhà đầu tư ngoại bởi họ đang “khát” lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao phục vụ chiến lược vận hành cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam. Xét rộng hơn sẽ thấy, đây là điểm yếu nội tại rất cần sự quan tâm thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất là chính quyền từng địa phương, chứ không thể trông chờ vào nhà đầu tư nước ngoài.
 
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tạo điều kiện thông thoáng và phù hợp cho nhà đầu tư kinh doanh lâu dài. Đây là một quá trình dài hơi, đồng bộ từ ý tưởng, nhận thức đến hành động với tinh thần quyết liệt, cầu thị và tôn trọng thông lệ quốc tế. Và dù đã đạt một số kết quả nhưng cơ quan chức năng, hệ thống chính quyền vẫn phải nỗ lực hơn nữa, bởi nếu cải cách với tốc độ chậm cũng đồng nghĩa với việc bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua mời gọi vốn đầu tư quốc tế. Nói cách khác thì việc nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia luôn là yêu cầu liên tục, không có điểm dừng.