Cam kết gần 6,5 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam

Nguyên Đức (Báo Đầu tư)

Các đối tác phát triển đã lại một lần nữa dành cho Việt Nam một ngân khoản quý giá để phát triển kinh tế - xã hội.

Cam kết gần 6,5 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam
Đường Vành đai 3 Hà Nội là dự án sử dụng hiệu quả vốn ODA tại Việt Nam
Một cách chân tình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi công bố kết quả cuối cùng tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012, diễn ra ngày 10/12 tại Hà Nội, rằng cam kết ODA cho Việt Nam là 6,485 tỷ USD, đã không ngừng nói lời cảm ơn về sự hỗ trợ to lớn và quý báu này của các nhà tài trợ.

"Người dân tại các quốc gia tài trợ vẫn đang phải thắt lưng buộc bụng, chống chọi với khủng hoảng kinh tế, mà các nhà tài trợ vẫn dành cho Việt Nam một sự hỗ trợ rất to lớn. Bởi vậy, những đồng tiền này càng quý giá hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Không công bố khoản tài trợ của từng đối tác phát triển như mọi năm, nhưng Nhật Bản có lẽ vẫn sẽ là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Bởi lẽ, phát biểu tại Hội nghị CG, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki đã đưa ra con số 2,6 tỷ USD mà Chính phủ nước này cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2013, tương đương mức của năm 2012. “Nhưng điều này còn tùy thuộc vào vào tiến độ chuẩn bị dự án của Chính phủ Việt Nam. Và chúng tôi mong muốn, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo để các dự án được thực hiện một cách thuận lợi, qua đó hợp tác ODA của Nhật Bản sẽ tiếp tục đem lại nhiều lợi ích và thành công”, Đại sứ Tanizaki nói.

Trung tuần tháng 11/2012, Đại sứ Tanizaki đã gửi công hàm tới Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về 6 dự án hạ tầng, bao gồm: 3 dự án đang triển khai (Đường cao tốc Bắc - Nam; Cảng Cái Mép - Thị Vải, Tuyến Sân bay Nội Bài  - cầu Nhật Tân) và 3 dự án mới (Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và Cải thiện hệ thống thủy lợi Bắc Việt Nam).

Thực tế, không chỉ Nhật Bản, mà tất cả các nhà tài trợ, các đối tác phát triển cũng không ngừng hối thúc Việt Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn ODA. “Chúng tôi vẫn tiếp tục tăng vốn viện trợ cho Việt Nam, nhưng mục tiêu không phải là cung cấp càng nhiều tiền càng tốt, mà là phải cung cấp tiền sao cho các luồng tiền này đi đúng đường và phục vụ đúng mục đích”, Đại sứ Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Franz Jessen, nói.

Thực tế, việc giải ngân vốn ODA thời gian qua còn chưa đạt yêu cầu, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, là do nhiều nguyên nhân, như vốn đối ứng còn thiếu, giải phóng mặt bằng chậm, năng lực và tính chuyên nghiệp của các ban quản lý dự án còn hạn chế… “Nhưng những nút thắt này, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đã rất tích cực phối hợp để tháo gỡ. Năm 2013, giải ngân vốn ODA sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và một lần nữa nhấn mạnh rằng, Chính phủ Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA để không phụ lòng các nhà tài trợ, cũng như người dân của các quốc gia đó.

Theo báo cáo của Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2012, Việt Nam ước giải ngân được 3,9 tỷ USD vốn ODA, tăng 10% so với năm 2011. Điều đặc biệt là, mức giải ngân vốn ODA của các nhà tài trợ như WB, ADB, JICA, AFD… đã có những cải thiện đáng kể. Nổi bật nhất là JICA trong tài khóa 2011 (kết thúc vào tháng 3/2012), mức giải ngân đạt 97,78 tỷ yên, đạt tỷ lệ giải ngân 19,5%, đứng thứ 2 trên thế giới trong số các nước sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản.

Theo kế hoạch, năm 2013, tổng giá trị các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến ký kết đạt khoảng 5 tỷ USD, còn giải ngân sẽ vào khoảng 4,5 tỷ USD.