Cần bảo đảm giá trị nông sản xuất khẩu vào thị trường EU

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký kết, nông sản sẽ là một trong những mặt hàng được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, tại hội thảo “Thị trường EU - Cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu”, theo nhiều chuyên gia, để thâm nhập thị trường này, còn nhiều rào cản cần vượt qua.

Cần bảo đảm giá trị nông sản xuất khẩu vào thị trường EU
Nông sản sẽ là một trong những mặt hàng được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất nếu FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết. Nguồn: internet

Theo Giám đốc Chính sách thương mại của Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) Maylis Labayle, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU không ngừng tăng trưởng, riêng năm 2013 đã đạt 26,6 tỷ euro, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU tới 21,3 tỷ Euro, nhập khẩu từ EU chỉ là 5,3 tỷ euro. Vì vậy, đây chính là ưu thế để hướng tới cơ hội xuất khẩu khi FTA giữa Việt Nam - EU được ký kết. FTA giữa Việt Nam và EU khi được ký kết có thể sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng thêm từ 10-15% so với hiện nay. Ngoài ra, FTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30 - 40% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng từ 20 - 25%.

Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, EU hiện vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp và hàng Việt Nam thông qua việc gia tăng xuất khẩu một số nông sản truyền thống, có thế mạnh như cà phê, ca cao, hạt tiêu, điều, tôm, trong đó Việt Nam chiếm gần 2/3 giá trị xuất nhập khẩu - tức là đóng vai trò xuất siêu trong quan hệ thương mại song phương. EU cũng là khu vực có tiềm năng và truyền thống rất nổi bật, với sức mua dồi dào và ổn định nhờ thu nhập bình quân đứng hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cũng thừa nhận họ vẫn còn một số lúng túng trước nhu cầu mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu nông sản vào EU. Đơn cử, doanh nghiệp chế biến cà phê vẫn chấp nhận việc bán sản phẩm mới qua sơ chế hoặc bán thành phẩm; trong khi nhà máy chế biến rau quả lại không làm chủ được vùng nguyên liệu bên cạnh sự bị động về công nghệ, thiếu vốn, phương pháp bảo quản lạc hậu hoặc bất lợi về khoảng cách vận chuyển xa… Mặc dù, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi FTA chưa được ký kết thì nông sản của Việt Nam sang EU vẫn có lợi thế hơn các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, do Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của EU, trong khi hầu hết các quốc gia ASEAN khác đã bị loại bỏ. Trung Quốc cũng có lợi thế về hàng nông sản nhưng hàng hóa nước này bị hạn chế về khối lượng nhập khẩu.

Theo đại diện Cục Chế biến Nông - lâm - thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng doanh nghiệp chấp nhận xuất hàng mới qua sơ chế vẫn khá phổ biến do thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào bảo đảm cả về khối lượng và chất lượng. Điều đó làm giảm cơ hội tăng giá trị gia tăng của hàng nông sản xuất khẩu cũng như mất cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm việc xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định vị thế trên thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư có trọng điểm để hình thành hệ thống nhà máy chế biến, nâng tầm sản phẩm nông sản Việt, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trồng, chế biến, bảo quản và vận tải nông sản và tìm hiểu kỹ cách làm chặt chẽ, đúng quy định của đối tác EU. Sản phẩm xuất khẩu phải có giá bán hợp lý, có thuyết minh và thông tin thành phần cấu thành giá thành sản xuất thật rõ ràng để thuận lợi cho việc đối chiếu khi cần thiết. Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động cập nhật thông tin về quá trình đàm phán FTA, các quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi, xây dựng kế hoạch để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, thói quen tiêu dùng của thị trường này để bảo đảm khi kết thúc đàm phán, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu.