Cán cân nội - ngoại trong nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi?

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Một số chỉ tiêu chủ yếu như vốn đầu tư, lao động, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ, nộp ngân sách cho thấy bức tranh cơ cấu nội lực – ngoại lực của kinh tế của Việt Nam đang có những chuyển dịch mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ nhất, về cơ cấu nội/ngoại trong vốn đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư gián tiếp (FII)...  tiếp tục là những nguồn vốn quan trọng, chiếm tỷ trọng gần 1/3 trong tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Chỉ tính riêng vốn FDI thực hiện, nếu năm 2005 mới chiếm 14,9%, thì thời kỳ 2006-2010 đạt 25,3%, thời kỳ 2011-2013 đạt 22,6%. Sự khởi sắc này có xu hướng tiếp tục trong thời gian tới, vì một số yếu tố.

Giá cả chứng khoán, doanh nghiệp, bất động sản đã ở mức thấp, là thời cơ cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung năm 2013 đã thoát đáy, năm 2014 vượt dốc đi lên cũng là thời cơ để các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện và tranh thủ đón lõng.

Việt Nam thực hiện cam kết mở cửa sâu rộng hơn với khu vực, với thế giới. Việt Nam hiện có nhiều chính sách mới, như mở room tỷ lệ nắm giữ cổ phần doanh nghiệp trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Thứ hai, trong nguồn lực lao động, số người làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng không nhiều, dù tính thêm cả số lao động làm việc gián tiếp có liên quan có nhiều hơn, nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5% trong tổng số lao động làm việc của cả nước.

Tuy nhiên, có một số điểm đáng lưu ý. Tỷ trọng của khu vực FDI về GDP cao gấp gần 5 lần tỷ trọng về lao động (năm 2012 đã chiếm 18,08%, khả năng năm 2013 sẽ cao hơn, khoảng 19%), chứng tỏ năng suất lao động của khu vực này cao gấp gần 4,4 lần so với khu vực kinh tế trong nước (năm 2012 đạt khoảng 235 triệu đồng/người, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 54 triệu đồng/người).

Thứ ba, cơ cấu nội/ngoại trong sản xuất công nghiệp có một số điểm đáng lưu ý. Trước hết, tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, khu vực FDI chiếm khá cao (nếu tính theo giá so sánh, khu vực FDI chiếm 43,2%, nếu tính theo giá thực tế còn chiếm tỷ trọng cao hơn, tới 46,3%). Chênh lệch tỷ trọng khi tính theo giá thực tế và giá so sánh này đã chứng tỏ sản phẩm công nghiệp của khu vực FDI có giá thực tế cao hơn, tăng nhanh hơn của khu vực kinh tế trong nước.

Có thể thấy, khu vực FDI đã tranh thủ thực hiện mục tiêu lợi nhuận của mình bằng cách đầu tư vào những ngành sử dụng nhiều lao động để tận dụng giá nhân công khá rẻ (dệt may, da giày...), vào những ngành mà Việt Nam còn đang ít nhiều “bao cấp” về giá đầu vào (như sản xuất thép sử dụng nhiều điện giá còn thấp để xuất khẩu...), những ngành mà Việt Nam có những ưu đãi lớn (như kỹ thuật công nghệ cao - trước đây là ô tô xe máy, ô tô,... nay thêm điện thoại, hàng điện tử...) và đặc biệt là đầu tư vào những mặt hàng để tận dụng lợi thế xuất khẩu khi Việt Nam mở cửa ngày một sâu rộng hơn...

Điều này thể hiện rõ trong cơ cấu nội/ngoại trong xuất/nhập khẩu. Khu vực kinh tế trong nước tăng thấp hơn (tăng 4,0% so với tăng 26,3%) và chiếm tỷ trọng thấp hơn (33,2% so với 66,8%). Đối với một số mặt hàng, tỷ trọng của khu vực FDI còn cao hơn nữa, như điện thoại; máy ảnh, máy quay phim; hàng điện tử, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng...

Về nhập khẩu, khu vực kinh tế trong nước bị giảm (giảm 3,7%) và của khu vực FDI tăng cao (tăng 24,2%), nên nhập siêu của khu vực trong nước đã giảm xuống (13,75 tỷ USD so với 17,65 tỷ USD). Tuy nhiên, do tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn về xuất khẩu (chiếm 43,7% so với 33,2%), nên nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước rất cao (bằng 31,3% kim ngạch xuất khẩu), trong khi khu vực FDI xuất siêu (13,76 tỷ USD, bằng 15,6% kim ngạch xuất khẩu). Chính từ cơ cấu này mà trong một số chuyên gia đã xuất hiện cụm từ Việt Nam “tiêu thụ hộ, xuất khẩu giùm”.

Thứ tư, cơ cấu nội/ngoại trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có khác biệt so với cơ cấu nội/ngoại trong tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu.

Tỷ trọng trong tổng mức bán lẻ của khu vực FDI còn thấp và mấy năm nay tăng chậm, nhưng với dung lượng thị trường lớn (trên 100 tỷ USD), với dân số đông và hàng năm vẫn tăng trên 900.000 người, cơ cấu dân số trẻ và bộ phận trung lưu có nhu cầu tăng cao hơn so với nhu cầu chung và độ mở cửa ngày một sâu, rộng hơn trong thời gian tới, tỷ trọng trên sẽ tăng khá nhanh trong thời gian tới. Vấn đề là thị phần thị trường trong nước của khu vực kinh tế trong nước sẽ có xu hướng bị thu hẹp, còn của khu vực FDI sẽ có xu hướng tăng nhanh do tốc độ tăng của khu vực FDI rất cao (năm 2013 tăng 32,8%).

Đặc biệt, cơ cấu nội/ngoại trong tổng thu ngân sách tuy chưa được bóc tách đầy đủ và chưa kể dầu thô, song tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng thu ngân sách mới đạt 14,1%, thấp hơn tỷ trọng về vốn (22%) và thấp hơn tỷ trọng về GDP (19%) là điểm đáng lưu ý. Tình trạng trên do 3 yếu tố. Hiệu quả đầu tư, thể  hiện ở hệ số ICOR của khu vực FDI còn cao (chủ yếu do còn đang trong quá trình đầu tư xây dựng). Tình trạng hạch toán lỗ và chuyển giá để lách thuế của khu vực này diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng, cần được kiểm tra, thanh tra ngăn chặn. Việc ưu đãi theo kiểu “trải thảm” cũng cần được xem xét lại.