Cần cẩn trọng với xuất xứ hàng hóa

Theo Ngọc Hậu/thoibaonganhang.vn

Tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, DN Việt không thể bỏ qua quy tắc xuất xứ để được hưởng mức ưu đãi thuế quan và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sai xuất xứ, bị truy thu thuế

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết mức độ lệch nhau về thuế rất lớn nên các DN phải đảm bảo đúng xuất xứ để tránh hàng hóa của một số quốc gia không có trong hiệp định thương mại hưởng lợi về thuế. Việt Nam và Hàn Quốc xuất khẩu những mặt hàng mà thị trường của mỗi nước cần nên bổ sung cho nhau không bị cạnh tranh.

Hiện nay, Hải quan Hàn Quốc đã chuyển từ tập trung kiểm tra xuất xứ hàng công nghiệp sang kiểm tra xuất xứ hàng nông nghiệp. Chính vì vậy, DN xuất xứ hàng nông sản cần phải chuẩn bị kỹ để có thể chứng minh xuất xứ cụ thể rõ ràng. DN phải chứng minh vùng nguyên liệu, thậm chí mùa vụ vì nếu hàng nông sản trái vụ mà lại xuất sang Hàn Quốc số lượng lớn thì sẽ bị nghi ngờ và yêu cầu làm rõ.

“Hải quan của nhà nhập khẩu sẽ hậu kiểm sau thông quan nên nếu phát hiện mô tả, xuất xứ không đúng thì có thể truy thu thuế nhà nhập khẩu và việc truy thu thuế này có thể là 3 năm, 5 năm, 10 năm sau khi nhập khẩu hàng. Nhà nhập khẩu đương nhiên sẽ khấu trừ đối với DN Việt đã xuất khẩu, nên DN phải hết sức lưu ý”, bà Hiền khuyến cáo.

Khẳng định cảnh báo của bà Hiền, ông Nguyễn Quan Phúc, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, khi chúng ta thực hiện chuẩn bị hồ sơ xuất hàng giấy chứng nhận xuất xứ, trình cho đối tác chưa phải là hết.

Theo quy định về AKFTA (Hiệp định thương mại ASEAN - Hàn Quốc) sau 5 năm từ lúc xuất hàng, họ vẫn có quyền kiểm tra, còn VKFTA (Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc) sau 3 năm vẫn bị kiểm tra. Nhiều DN rất chủ quan xuất hàng xong nhất là các công ty dịch vụ họ làm xong hết trách nhiệm nhưng không đơn giản vậy vì khi nghi ngờ, hải quan kiểm tra và yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh.

Nắm bắt quy định để thâm nhập hiệu quả

Trên thực tế, nhiều DN không có trách nhiệm với chứng từ nên hồ sơ thường tẩy xóa... Khi yêu cầu xác minh những chỗ tẩy xóa, DN không biết công ty dịch vụ đã làm gì và tẩy xóa gì cho hợp lệ. Thậm chí giả toàn bộ hồ sơ C/O.

“DN phải chịu trách nhiệm trước hồ sơ của mình và chủ DN phải chịu trách nhiệm. Chủ DN không thể nói hồ sơ không lưu không biết nữa. Cung cấp chứng từ thì các DN phải cung cấp chúng tôi chỉ lưu hồ sơ… Cơ quan chức năng của đối tác nước ngoài sẽ từ chối lô hàng của nhà nhập khẩu, nhà nhập khẩu truy đòi tiền của chính DN xuất khẩu”, ông Phúc khuyến cáo.

“Chỉ khi đáp ứng quy định về xuất xứ, quy tắc cụ thể mặt hàng (ROO, PSR), hàng hóa mới được cấp một Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi FTA, do vậy các DN cần thực hiện hiệu quả từ đó nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến sâu trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam”, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM một lần nữa nhắc nhở các DN.

Theo lộ trình cam kết, giai đoạn 2016 - 2020, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn chuyên sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Trong những năm qua, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA với Hàn Quốc như AKFTA và VKFTA) và là đối tác có cơ cấu xuất, nhập khẩu mang tính bổ sung.

Song việc tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật thương mại.

Bà Trang khẳng định: “Với việc tiếp tục thực hiện cam kết mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này với các mặt hàng nông sản và hàng công nghiệp (dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến) sang các nước. Bên cạnh những mặt thuận lợi, có nhiều điểm mà các nhà xuất khẩu cần nắm bắt kỹ các quy định để thâm nhập có hiệu quả vào các thị trường”.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA, trong đó có 10 Hiệp định đã có hiệu lực (như Hiệp định ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Úc-New Zealand, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Trung Quốc, ẠSEAN-Nhật Bản, Việt Nam-Chi Lê, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu)… và 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực (Việt Nam - EU, TPP).