Cần có bộ lọc để thu hút nguồn vốn FDI "sạch"

Theo Minh Minh/reatimes.vn

Phải khẳng định chúng ta đang cần nguồn vốn FDI và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI tốt hơn, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần phải có "bộ lọc" để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI "sạch", mang tính chất lâu bền từ doanh nghiệp có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá.

Đã đến lúc cần làm việc một cách nghiêm túc, đầy đủ để gắn vốn FDI với tăng trưởng và phát triển. Nguồn: internet
Đã đến lúc cần làm việc một cách nghiêm túc, đầy đủ để gắn vốn FDI với tăng trưởng và phát triển. Nguồn: internet

Đó là khẳng định của PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính quốc tế, Học viện Tài chính khi chia sẻ về thực tế thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian qua.

Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2019 đến nay?

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: Nhiều biến động của nền kinh tế thế giới năm 2019 như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Nhật - Hàn, Mỹ - Liên minh Châu Âu, Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, hay Brexit, các biến động về địa chính trị như tình hình Iran, Venezuela… khiến tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới vào đà sụt giảm. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để các dòng vốn đầu tư trên thế giới dịch chuyển vào Việt Nam nên nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam liên tục tăng, đóng góp đáng kể vào tổng nguồn vốn đầu tư xã hội và tạo nên sự tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Trong đó, nhiều năm gần đây, bất động sản luôn là lĩnh vực nằm trong top đầu về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Đơn cử, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 29,11 tỷ USD thu hút FDI 10 tháng đầu năm 2019, vốn đổ vào bất động sản đạt 2,9 tỷ USD. Đây là lĩnh vực xếp thứ hai trong 19 ngành mà nhà đầu tư ngoại rót vốn, sau công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong và Singapore.

Theo ông, vì sao bất động sản vẫn luôn là lĩnh vực có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài?

Bởi Việt Nam luôn được đánh giá là một thị trường tiềm năng để đầu tư bất động sản. Điều này trước hết được thể hiện ở lợi thế về thiên nhiên, vùng núi và đường bờ biển dài, đẹp - là những lợi thế để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. 

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam được đánh giá đang trên đà tăng tưởng nhanh, thu nhập của người dân cũng vì thế mà tăng nhanh, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ. Dân số trẻ, nhu cầu nhà ở tăng nhanh nên thị trường nhà ở luôn có rất nhiều cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, việc phát triển bất động sản ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng nhu cầu ở, đa phần chất lượng trung bình và thấp nên cần những thiết kế chất lượng đẳng cấp quốc tế, kỹ thuật phức tạp hơn với lượng vốn nhiều hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng luôn nhìn thấy dư địa lớn ở phân khúc cao cấp của thị trường bất động sản Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có môi trường đầu tư ổn định. Một số chính sách về nhà ở của Việt Nam quy định trong Luật Nhà ở đã thông thoáng hơn, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đã tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài và kích thích họ đầu tư nhiều hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam. 

Việc liên doanh, liên kết giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng được đẩy mạnh hơn, dẫn đến nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua các hình thức mua bán, sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần… cũng tăng lên. 

Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng những quan hệ, cơ sở sẵn có của doanh nghiệp nhằm đầu tư những dự án đảm bảo về mặt pháp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo các vấn đề an ninh, xã hội liên quan. Từ đó giúp các dự án hoạt động có hiệu quả trong thời gian dài.

Theo ông, sức tăng của nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản hiện nay đã đủ so với kỳ vọng của thị trường bất động sản hay chưa?

Sức tăng vốn FDI là rất lớn trong thời gian qua. Nhưng so với kỳ vọng của thị trường thì vẫn chưa thỏa mãn. Những tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam cần nhiều hơn những tiềm lực đặc biệt về vốn để có thể khai phá.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản?

Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản trong những năm vừa qua đã mang lại nhiều tác động tích cực, đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng nhà nước đang siết tín dụng vào bất động sản. 

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài. Động thái liên doanh, liên kết một phần để thu hút vốn, thu hút kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư có chất lượng, có tầm nhìn, kinh nghiệm quản lý và có thị trường, có khách hàng quen thuộc ở các nước có nền kinh tế phát triển, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài cho các dự án. Qua đó, tạo cho thị trường bất động sản luồng sinh khí mới, tạo ra đầu tư thực chất, gắn đầu tư với sản xuất, kinh doanh thực.

Đồng thời, sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thị trường Việt Nam đa dạng sản phẩm bất động sản hơn với những thiết kế, kiến trúc khác nhau, góp phần đưa thị trường tiệm cận dần đến những chuẩn mực quốc tế. 

Bên cạnh đó, khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài đã có tên tuổi cũng góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam và đưa lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, doanh nghiệp Việt cũng được mở rộng đối tượng khách hàng của mình.

Nhưng cũng có nhiều nhận định cho rằng, không phải dự án FDI nào cũng mang lại hiệu quả cao, thậm chí có những dự án còn trì trệ, gây tác động tiêu cực đến thị trường, chưa kể mối lo "cá lớn nuốt cá bé", tạo ra những thách thức đối với doanh nghiệp nội?

Điều đó là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, có những nhà đầu tư FDI chỉ mang tính chất “chộp giật”, đăng ký dự án để giữ chỗ, sau đó tìm cách bán lại cho chủ đầu tư khác. Có chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để đầu tư và kinh doanh. Cũng có những nhà đầu tư chỉ coi các bên liên doanh như đầu mối để có quyền sử dụng đất và giải quyết các thủ tục hành chính, sau đó họ tìm cách thôn tính dự án…

Đó là chưa kể, trong thực tế có những chủ đầu tư gặp các biến cố khách quan phải bỏ dở dự án. Khi lượng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản nhiều, nó có thể gây ra tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan, thậm chí với những phân khúc thị trường trước đây không được chú ý, giờ có thể được nhà đầu tư đổ vốn vào nhiều. Hệ quả là thị trường sẽ nóng lên một cách đột xuất, không phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt còn non kinh nghiệm, tiềm lực yếu, khi bắt tay với nhà đầu tư ngoại, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả hoặc bị doanh nghiệp ngoại lấn át, dẫn đến thiệt thòi.

Để dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thì quá trình thu hút FDI trong thời gian tới cần thực hiện như thế nào?

Phải khẳng định chúng ta đang cần nguồn vốn FDI và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI tốt hơn, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần phải có "bộ lọc" để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI "sạch", mang tính chất lâu bền từ doanh nghiệp có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá.

Đã đến lúc cần làm việc một cách nghiêm túc, đầy đủ để gắn vốn FDI với tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, gắn lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích của kinh tế Việt Nam chứ không thể cứ tiếp tục chỉ ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài như trước nữa. Lợi ích của kinh tế Việt Nam phải được đặt ra một cách tương xứng. Thay vì thu hút FDI một cách ồ ạt, chúng ta nên chấp nhận bước chậm lại qua “bộ lọc” để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của nhà đầu tư; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để đấu giá tìm nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn…

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Việt Nam, đòi hỏi phải cẩn trọng và tỉ mỉ trong tìm kiếm đối tác khi liên doanh, liên kết để hợp tác với các chủ đầu tư có nguồn lực, có kỹ năng trong xây dựng và kinh doanh bất động sản và phải có mục đích thực chất, gắn bó lâu dài trong quyết định đầu tư. 

Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị các điều kiện về tài chính, quyền sử dụng đất, các chương trình, dự án, chiến lược kinh doanh trước khi bắt tay hợp tác với nhà đầu tư ngoại và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh để tình trạng "cá lớn nuốt cá bé", bị các doanh nghiệp nước ngoài chèn ép. 

Ông dự báo như thế nào về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2020?

Trong bối cảnh việc đầu tư trên trường quốc tế đang có nhiều rủi ro, nếu Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và vẫn được đánh giá là nơi đầu tư ổn định, an toàn, tôi cho rằng, đầu tư FDI vẫn tiếp tục tăng trong 2020. 

Và hy vọng, cùng với sự tăng trưởng của nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, các dự án hiệu quả, chất lượng cao sẽ xuất hiện nhiều hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân và bộ mặt của thành phố. Chúng ta không nên vội mừng vì thu hút đầu tư nước ngoài tăng mà chỉ nên mừng khi hiệu quả thực sự của nguồn vốn ấy được thực hiện.

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ!