Nhà tài trợ quốc tế:

Cần điều phối ODA mạnh mẽ hơn

Huy Thắng

(Tài chính) Các nhà tài trợ quốc tế đã đưa ra những đánh giá thẳng thắn về hiệu quả sử dụng vốn ODA và những thách thức của Việt Nam trong thời gian tới.

Cầu Vượt đoạn Mai Dịch - Linh Đàm trên đường Vành đai 3 là một trong những cây cầu hiện đại nhất được xây dựng từ vốn ODA của Nhật Bản. Nguồn: Trần Thanh Giang/VNP
Cầu Vượt đoạn Mai Dịch - Linh Đàm trên đường Vành đai 3 là một trong những cây cầu hiện đại nhất được xây dựng từ vốn ODA của Nhật Bản. Nguồn: Trần Thanh Giang/VNP
Tại Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ sáng 17/10, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình đang lên, với nền kinh tế có quy mô gần 154 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.700 USD.

Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 10% năm 2012, với hơn 30 triệu người thoát nghèo. Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện cao hơn phần lớn các nước có cùng mức thu nhập, và thậm chí cả một số nước có thu nhập cao hơn.

Một đánh giá gần đây cho thấy công nhân Việt Nam làm việc hiệu quả hơn những đồng nghiệp của họ ngay cả nước một số nước thu nhập cao hơn. Tỉ lệ tử vong bà mẹ khi sinh ở Việt Nam là 59/100,000 trường hợp, thấp hơn nhiều nước giàu hơn trong khu vực.

Việt Nam đã đạt được 5 trong số 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt 2 mục tiêu nữa vào năm 2015.

Theo bà Victoria Kwakwa, thành công của Việt Nam có được là nhờ vào tầm nhìn và quyết tâm lãnh đạo của Chính phủ, cũng như tinh thần chịu khó và khởi nghiệp của người dân Việt Nam. Là đối tác phát triển, WB rất tự hào được đồng hành với Việt Nam trong chặng đường đáng nhớ này và được đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. “Làm việc cùng Việt Nam đã là cơ hội cho chúng tôi được kiểm nghiệm những ý tưởng mới, và cho thấy rằng hỗ trợ phát triển có thể và thực sự có hiệu quả”, bà Kwakwa nhấn mạnh.

Về những thách thức trong giai đoạn mới, bà Kwakwa lưu ý: Bất kể những thành tựu to lớn đã đạt được, chặng đường phát triển của Việt Nam vẫn còn rất dài. Vì vậy, hoạt động điều phối ODA cần phải trở nên mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy các ưu thế của các đối tác khác nhau và tránh các hỗ trợ manh mún không hiệu quả. 

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển quan trọng mà Việt Nam đạt được.

Đại sứ đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam sử dụng vốn ODA của Nhật Bản hiệu quả thời gian qua. Nhưng, ông Hiroshi Fukada cũng cho rằng Việt Nam mới được một nửa chặng đường để trở thành nước công nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Nỗ lực của Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, nhưng Nhật Bản ủng hộ Chính phủ Việt Nam hướng tới tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, việc Việt Nam nỗ lực xây dựng thể chế, cải cách pháp lý và tái cơ cấu nền kinh tế là hướng đi đúng đắn và Nhật Bản sẵn sàng nỗ lực hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dae Joo, khẳng định: Cộng đồng quốc tế đã liên tục nhìn nhận Việt Nam như một trong những câu chuyện thành công ngoạn mục.

Cũng giống như Hàn Quốc chuyển đổi từ nước nhận tài trợ sang nước tài trợ trong 2 thập kỷ, Việt Nam cũng chuyển đổi sang một nước thu nhập trung bình. Hướng tới 20 năm nữa, Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì là nước hậu thuẫn vững mạnh cho các nỗ lực của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại công nghệ cao. Những thách thức lớn mà Việt Nam gặp phải hôm nay về xây dựng năng lực, cải cách hành chính, phát triển bền vững là những vẫn đề Hàn Quốc từng gặp phải. Do đó, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với các đối tác phát triển.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho rằng: Dù đạt được nhiều tiến bộ, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và cần tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác phát triển quốc tế. 

Đó là chi phí xã hội cao của quá trình tăng trưởng nhanh là nguyên nhân chính gây lo ngại. Bất bình đẳng và các rào cản xã hội khiến một số người dân, đặc biệt dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, người khuyến tật, người di cư mới… không được hưởng chất lượng y tế và giáo dục thiết yếu. Tham nhũng và quản lý yếu kém trong khu vực công tiếp tục là thách thức lớn, đòi hỏi tăng cường tính minh bạch, đòi hỏi nâng cao chất lượng lập pháp, trong quản lý công và tư pháp.

Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để xác định các thách thức này và đưa ra các giải pháp, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là đáng ghi nhận. “LHQ sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan phối hợp nghiên cứu về các nguồn tài trợ, cải thiện quản lý tài chính công và sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn”, bà Pratibha Mehta khẳng định.

Ông J.A.Nugent, Tổng Vụ trưởng, Tổng vụ Đông Nam Á-Ngân hàng Phát triển (ADB) cho rằng: Thành tựu của Việt Nam trong suốt hai thập kỷ vừa qua rất đáng khâm phục.

GDP theo đầu người đã tăng gấp gần 4 lần, trong khi tỷ lệ nghèo đã giảm từ mức gần một nửa dân số xuống chỉ còn hơn 10%.

ADB tự hào là một phần trong câu chuyện phát triển thành công này là một vinh dự đặc biệt đối với ADB.

Hội nhập toàn cầu gia tăng đem lại cơ hội, nhưng cũng mang lại những rủi ro, do đó Việt Nam cần có những điều hành thận trọng cũng như tăng cường những cải cách. Trong bối cảnh đã trở thành nước có thu nhập trung bình, khuôn khổ ODA cũng dần thay đổi. Trong điều kiện này, Việt Nam cần nhiều hơn từ các đối tác phát triển những đóng góp kiến thức có trách nhiệm cao và tinh tế hơn.

Do vậy, bên cạch những hoạt động tài trợ thường lệ, ADB đã áp dụng một sự kết giữa tài chính làm đòn bẩy và kiến thức, hay còn gọi là “tài chính++”,  nhằm hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển. “ADB cam kết tiếp tục phát huy quan hệ và là đối tác tin cậy của Việt Nam trong 20 năm tới”, đại diện ADB chia sẻ.